Chuyện nhặt rác...
Cứ vào khoảng 14 giờ cuối tuần, anh Hồ Phi Quyết (SN 1983, trú tại xóm 10, xã Quỳnh Lộc, TX. Hoàng Mai, Nghệ An) cùng vợ chuẩn bị đồ nghề, điều khiển xe máy đến những địa điểm có rác để nhặt. Hơn một năm nay, người dân địa phương nhận xét anh chị, lo chuyện nhặt rác. Địa điểm nhặt rác của vợ chồng anh Quyết thường là trước cổng trường học và chợ.
Theo anh Quyết, những địa điểm trên có nhiều rác thải nhất, đặc biệt là túi nilon, nhựa. Mỗi lần nhặt như thế, các bì chứa mang theo đều no cứng, ở xã Quỳnh Lộc, không chỗ nào có rác mà anh không biết và anh Quyết còn có thể vẽ ra bản đồ rác của xã.
“Những khi đi trên đường, tôi chú ý những điểm nào nhiều rác. Cuối tuần, vợ chồng gửi con sang ông bà ngoại rồi đi nhặt. Việc dọn hết rác trong một vài ngày là không thể, hôm nay dọn nhưng ngày mai có thể rác lại đầy đường, bởi không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, biết bỏ rác vào bì. Nhặt hết rác vào, dùng dây buộc lại cẩn thận, tập kết gọn gàng bên đường và đến nơi có rác khác. Công nhân môi trường sẽ thực hiện rất nhanh trong việc thu gom rác trên địa bàn”, anh Quyết cho biết.
Lí giải thêm về hành động này, anh Quyết cho hay, theo lịch thì công nhân môi trường chỉ gom rác một buổi duy nhất trong tuần, đó là vào sáng thứ 2. Vì thế, cả một tuần rác thải ứ đọng khắp đường làng, ngõ xóm. Nhiều gia đình biết gom rác vào bì thì đỡ, nhưng có những gia đình vẫn vứt rác bừa bãi. Ngày nào gió to, thổi bao bóng bay khắp đường, rất mất vệ sinh, ô nhiễm.
Chị Mai chia sẻ, vợ chồng cũng có phần không may mắn khi đứa con thứ 2 ra đời đã bị bệnh ly thượng bì bẩm sinh. Hơn 6 năm qua, anh chị đã chạy vạy khắp nơi mong có tiền để chữa bệnh cho con. Trong quá trình đó, anh chị cũng nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của nhiều người nên mới hiểu hết ý nghĩa của công việc thiện nguyện.
“Tôi ủng hộ chồng và rất vui vì hành động của anh sẽ làm cho môi trường sạch đẹp hơn. Thời điểm đầu, tôi ở nhà trông con nhưng sau nghĩ, để anh làm một mình thì đến khi nào mới hết rác. Thế là, vợ chồng bàn chuyện gửi con sang ông bà ngoại rồi cùng đi nhặt rác”, chị Nguyễn Thị Mai nói thêm.
Lan tỏa việc làm tốt
Anh Hồ Phi Quyết tham gia Câu lạc bộ Vòng tay yêu thương - Hoàng Mai, mục đích cùng các thành viên khác giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, phối hợp với trường học tổ chức thu gom rác tại bãi biển và các tuyến đường. Tuy nhiên, câu lạc bộ không thể hoạt động thường xuyên, trong khi rác thải ứa đọng ngày càng nhiều.
Từ tháng 9/2018, vào mỗi chiều thứ 7, chủ nhật hàng tuần, người dân địa phương thấy 2 vợ chồng tay cầm bì, tay cầm kẹp cặm cụi nhặt từ túi bóng đến chai nhựa bên đường, dưới mương nước, trong bụi cây. Một số người còn nói, chỉ có rỗi hơi, rảnh việc, bao đồng mới đi làm chuyện của thiên hạ. Không những thế, có những người còn mỉa mai, vợ chồng anh “chăm chỉ” như thế, có ai cho đồng nào hay không, khiến anh Quyết không khỏi chạnh lòng. “Người này nói ra, người khác nói vào, nhưng tôi vẫn làm. Bởi tôi nghĩ mình làm thiện nguyện và bản thân thấy vui, có ích cho xã hội là được được rồi”, anh Quyết nói.
Hành động đẹp nên lan tỏa để mọi người nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và không phải ai cũng thờ ơ. Anh Quyết cho biết: “Trong quá trình đi nhặt rác, tôi dùng điện thoại chụp ảnh, muốn đăng lên Facebook. Nhưng cứ do dự có nên đăng hay không, đăng lên Facebook lại sợ dư luận bình phẩm chuyện nhỏ mà thể hiện này nọ, còn không đăng thì sao lan tỏa đây. Cuối cùng tôi cũng đăng lên. Hồi hộp với quyết định của mình. Quá bất ngờ, tất cả mọi người, kể cả không quen biết đều rất ủng hộ, số người trực tiếp đi nhặt rác nhiều thêm. Còn những người không tham gia được lại thể hiện ý thức ngay từ khâu bỏ rác vào túi bóng, bao bì, không vứt bừa bãi...”.
Chị Hồ Thị Phương (SN 1984, trú tại thôn 6, xã Quỳnh Lộc) cho hay: “Nhìn rác bừa bãi, tràn lan, tôi muốn nhặt lắm nhưng ngại. Ban đầu nhặt rác từ quanh nhà rồi lan ra thôn xóm. Chúng tôi muốn, một ngày nào đó, mình không phải đi nhặt rác nữa, ý thức người dân được nâng cao, phân loại rác ngay từ gia đình”.
Cặp vợ chồng lo chuyện “bao đồng” đang góp phần đổi thay diện mạo của vùng quê. Hình ảnh rác thải tràn ngập đã không còn, thay vào đó là môi trường sạch, đẹp. Đặc biệt, từ hai người lẻ loi, cặm cụi nhặt rác, bây giờ là cả xã hội chung tay nhặt rác, giữ vệ sinh môi trường.