Cấp tốc thông báo tàu, thuyền thoát vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới

0:00 / 0:00
0:00
Cấp tốc thông báo tàu, thuyền thoát vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới
TPO - Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố ven biển (từ Thanh Hóa tới các tỉnh khu vực Tây Nguyên) theo dõi chặt diễn biến áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), khẩn trương thông báo cho chủ các phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ, nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, vào hồi 7 giờ ngày 23/9, vị trí tâm ATNĐ vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên, Bình Định 280-290km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, ảnh hưởng tới vùng biển và đất liền các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi; các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa lớn trên diện rộng.

ATNĐ hình thành gần bờ, cường độ mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng của gió lớn. Từ ngày 23 - 24/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to, từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; từ ngày 24-25/9, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An có mưa to từ 100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.

Vùng nguy hiểm của ATNĐ trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 11,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh Tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển (từ Thanh Hóa đến các tỉnh khu vực Tây Nguyên) theo dõi chặt diễn biến ATNĐ, khẩn trương thông báo cho chủ các phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ, nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương quản lý chặt việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền; chủ động cấm biển với tàu cá tùy theo diễn biến thực tế tại địa phương; đảm bảo an toàn tàu, thuyền, ngư dân nơi neo đậu và trên lồng bè, nuôi trồng thủy hải sản.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các quân khu, các lực lượng đóng chốt trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khi có yêu cầu.

Đối với vùng đồng bằng và ven biển, các địa phương khẩn trương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng.

Đối với vùng núi, các địa phương cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Các địa phương cần kiểm tra, đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ, đảm bảo an toàn hạ lưu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.