'Cấp giấy đi đường ở Hà Nội vội vàng, ít hàm lượng công nghệ'

0:00 / 0:00
0:00
'Cấp giấy đi đường ở Hà Nội vội vàng, ít hàm lượng công nghệ'
TPO - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, việc cấp giấy đi đường của Hà Nội vội vàng khiến người dân không kịp thực hiện, không áp dụng các công nghệ hiện có. Ngoài ra, luật sư Đức cho rằng, Hà Nội cần xem xét chấp nhận việc không thể "phong tỏa, vô trùng, vô khuẩn", từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp với thực tế dịch bệnh hơn...

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Hà Nội thực hiện các biện pháp chống dịch với yêu cầu cao nhất để bảo vệ người dân nhưng vẫn phải giữ vững nguyên tắc tuân thủ pháp luật và không gây khó cho người dân, doanh nghiệp.

'Cấp giấy đi đường ở Hà Nội vội vàng, ít hàm lượng công nghệ' ảnh 1

Theo Luật sư Đức, Hà Nội triển khai áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có gắn QR code còn những bất cập sau:

Thứ nhất, việc thay đổi mẫu giấy đi đường phải hợp tình hợp lý về mặt thời gian, phải có dự lệnh. Ở đây, Hà Nội gần đây ban hành hiệu lệnh trễ, dẫn đến không thể thực hiện hoặc thực hiện gây ra nhiều bức xúc. Nếu Hà Nội đã định thay đổi giấy thì phải ban hành thông báo sớm, có thể cách đây 1 tuần; khi đó sẽ không có những phản ứng gay gắt hay những lúng túng như hiện nay.

Thứ 2, về phân nhóm, Hà Nội phân 6 nhóm đối tượng cấp giấy là phi logic. Theo tôi, chỉ cần phân chia thành 4 nhóm cấp phép: Nhóm do Công an thành phố cấp (Hiện được phân là nhóm 2); nhóm do công an phường cấp (nhóm 6); nhóm tự cấp (nhóm 1, 3 & 4) và nhóm kiểu khác cấp (như đi tiêm phòng, đi đến bệnh viện, đi đến toà án, đi đến sân bay, đi chợ - nhóm 5). Như hiện nay, bản thân luật sư, cán bộ ngân hàng từ một năm rưỡi nay đang thuộc nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nay cũng không biết mình ở nhóm nào, không biết có được đi làm hay không.

Thứ 3, khi tiến hành làm các thủ tục cấp giấy đi đường cơ quan chức năng phải áp dụng tối đa công nghệ. Đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ ở Hà Nội đã phổ cập, sử dụng mã QR code đã quá thông dụng nên chính quyền có thể cấp mã tự động từ xa.

Sự lây lan duy nhất của dịch bệnh COVID-19 là do tiếp xúc gần, vì vậy, theo luật sư, muốn chống dịch thành công thì phải giảm thiểu “tử huyệt” này. Do đó, cần phải thực hiện cấp mã chứ không cấp giấy, kiểm soát bằng phương tiện kỹ thuật chứ không kiểm soát trực tiếp bằng tay hay bằng mắt thường.

"Kiểm soát việc đi đường chỉ là hình thức, bản chất phải kiểm soát sự di chuyển của 3 nhóm đối tượng: Nhóm tương đối an toàn (đã mắc bệnh, đã tiêm 2 mũi, đã có kết quá xét nghiệm âm tính), nhóm người đang có nguy cơ (tiếp xúc gần với F0, ở rất gần F0, đang có dấu hiệu nghi vấn) và người đang bị dương tính - F0 (có hoặc chưa có triệu chứng)" - luật sư Đức phân tích.

Ngoài ra, theo Luật sư Đức, thành phố Hà Nội cần tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, các cấp chính quyền cơ sở để bảo đảm việc nắm bắt, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng yêu cầu, thực chất và hiệu quả. "Cách làm như hiện nay còn thiếu thống nhất, thiếu hợp lý, rất lúng túng, thậm chí là tuỳ tiện. Do đó, cán bộ vất vả, người dân thì bức xúc" - luật sư Đức nói.

Luật sư Đức cho rằng, Hà Nội cần thay đổi cơ bản quan điểm chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của các bác sỹ, nhà khoa học. Thành phố không nên tiếp tục thực hiện giãn cách quá lâu, quá rộng vì sẽ không đủ nguồn lực y tế, con người đến tiền bạc và thực tế không thể theo đuổi mục tiêu vô trùng, vô khuẩn, mà phải chấp nhận sự cân bằng nhất định giữa việc phòng chống dịch bệnh với duy trì sản xuất, kinh doanh và cuộc sống dân sinh.

"Biện pháp trước mắt là phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định bằng việc nới lỏng để duy trì hoạt động kinh tế, duy trì được đời sống. Có giữ vững mạch máu kinh tế, bảo đảm được sản xuất kinh doanh thì mới có sức trụ được và có khả năng chống dịch. Chống dịch vẫn như chống giặc, nhưng thay vì phân rõ địch ta rõ ràng để dàn trận chiến đấu, thì cần phải chấp nhận kiểu chiến tranh du kích, đánh địch từ trong lòng định, vì dịch kẻ địch vô hình. Thành phố cần tập trung khoanh vùng quản lý chặt các địa bàn hẹp, chỉ hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện theo đúng quy định tại Điều 53, Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm”, Luật sư Đức dẫn giải

MỚI - NÓNG