Cấp ‘căn cước’ số hóa độc bản cho tác phẩm mỹ thuật để chống nạn giả, nhái

0:00 / 0:00
0:00
Bản NFT tranh triệu đô của họa sĩ Phạm An Hải
Bản NFT tranh triệu đô của họa sĩ Phạm An Hải
TPO - Họa sĩ Phạm An Hải, một trong số nạn nhân của nạn tranh giả, tranh nhái tin rằng việc cấp chứng nhận số hóa cho tác phẩm mỹ thuật góp phần làm minh bạch hóa thị trường mỹ thuật vốn đầy rẫy bất cập hiện nay.

“Cổng trời” ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 4, tiếp tục ra hợp tác với nhóm nghệ sĩ VietartNow mắt tại Hà Nội. Lễ công bố sự hợp tác này kết hợp với trải nghiệm chiêm ngưỡng ba gallery trên nền tảng số của ba họa sĩ sáng lập VietartNow, gồm Phạm An Hải, Phạm Hà Hải và Phạm Bình Chương.

Trong bối cảnh các phương thức kết nối truyền thống thông qua mạng xã hội, website, triển lãm, rạp chiếu phim... đã không còn bắt kịp yêu cầu ngày càng đa dạng của người dùng; vấn nạn vi phạm bản quyền hoành hành, đại dịch Covid-19 gây trở ngại cho tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bước ra thế giới và ngược lại. Dự án Cổng trời được kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ giao dịch giữa người mua và người bán thông qua công nghệ và thị trường NFT (Non Fungible Token).

Cấp ‘căn cước’ số hóa độc bản cho tác phẩm mỹ thuật để chống nạn giả, nhái ảnh 1

Họa sĩ Phạm An Hải (thứ hai từ trái sang) tin tưởng nghệ sĩ Việt được bảo vệ tốt hơn nhờ công nghệ NFT

Ông Phạm Toàn Thắng, người sáng lập “Cổng trời” giải thích, công nghệ NFT trên nền tảng Kardiachain cho phép các tác phẩm văn hóa vật thể được số hóa và định danh chủ sở hữu, đảm bảo tính độc bản của bản kỹ thuật số tồn tại song song với độc bản ngoài đời thực

“Các độc bản kỹ thuật số này có thể tạo thành kho dữ liệu để tương thích với các ứng dụng VRhome, Oculus… giúp người dùng xây dựng được một bộ sưu tập kỹ thuật số/trí tuệ nhân tạo với chi phí tương đối thấp. Đồng thời, vẫn đảm bảo được tính xác thực, minh bạch trong chuyển nhượng giữa các nhà sưu tập. Theo đó, giá trị của độc bản số sẽ tỉ lệ thuận với số lần chuyển nhượng”, ông Phạm Toàn Thắng nêu.

Chính vì công nghệ NFT sẽ không cho phép bất kỳ ai có thể tạo ra những thay đổi đối với tác phẩm đã được số hóa độc bản, cho nên đây có thể xem như “căn cước” bảo chứng về tính nguyên bản của tác phẩm mỹ thuật. “Họa sĩ và nhà sưu tập có thể hoàn toàn yên tâm, không lo sợ tác phẩm bị xâm phạm bản quyền”, ông Thắng nêu.

NFT sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) để tạo ra một chuỗi mật mã cho một hình ảnh tác phẩm cụ thể, nhằm định danh phiên bản số duy nhất, không thể hủy bỏ hoặc thay đổi mã của các tác phẩm này. Điều này giúp cho hình ảnh tác phẩm NFT là duy nhất trên mạng, nên có thể mua bán, đổi chác như các tác phẩm độc bản bằng vật lý ở đời thực.

Họa sĩ Phạm An Hải nói rằng, “Cổng trời” không chỉ bảo vệ bản quyền tác phẩm cho họa sĩ, việc số hóa độc bản các tác phẩm mỹ thuật cũng mang đến những quyền lợi và niềm tin cho các nhà sưu tập. Thông qua nền tảng của “Cổng trời”, nhà sưu tập có thể đặt giá mua đối với sản phẩm nghệ thuật. Khi lệnh đặt mua được thực hiện, chủ sở hữu và nghệ sĩ/tác giả sẽ nhận được thông báo từ Cổng trời và xem xét các lệnh đặt mua. Khi mức giá đặt mua phù hợp với yêu cầu của chủ sở hữu và nghệ sĩ, họ sẽ thực hiện bước ký tên xác thực điện tử (mã hóa) thông qua nền tảng của “Cổng trời”, để kết hợp cùng sản phẩm số tạo thành một NFT. NFT sau khi hình thành sẽ được chuyển giao cho nhà sưu tập và xác thực trên Kardiachain.

Cấp ‘căn cước’ số hóa độc bản cho tác phẩm mỹ thuật để chống nạn giả, nhái ảnh 2

Kiệt tác được định giá triệu đô của họa sĩ Phạm An Hải trên "Cổng trời"

Họa sĩ Phạm An Hải bày tỏ, VietartNow từ khi thành lập luôn tạo điều kiện tốt nhất để các họa sĩ có hoạt động sáng tác có chất lượng cao, tuy nhiên việc hỗ trợ là có chọn lọc. Vì vậy, khi bước vào giai đoạn chuyển đổi số, tiêu chí cũng không thay đổi. Sự phối hợp giữa VietartNow và Cổng trời sẽ thực hiện trong một phạm vi đảm bảo sự cởi mở nhưng vẫn có những lựa chọn. Đại diện “Cổng trời” cam kết hỗ trợ miễn phí cho nghệ sĩ, với mục tiêu cao hơn là lưu trữ và tạo ra kho dữ liệu để quảng bá ra thế giới.

Thời gian qua chương trình đã chạy thử đối với một số tác phẩm có chủ sở hữu. Tác phẩm được giao dịch ở mức giá cao nhất trong giai đoạn thử nghiệm này là 1.000 USD. Tuy nhiên, đây chỉ bước thử công nghệ và thử nghiệm trong cộng đồng của dự án.

Cấp ‘căn cước’ số hóa độc bản cho tác phẩm mỹ thuật để chống nạn giả, nhái ảnh 3

"Cổng trời" chống xâm phạm bản quyền tác giả mỹ thuật

“Với ứng dụng NFT, chúng tôi có thể đóng vai trò như một trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật. Bởi dữ liệu NFT rất khác với các lưu trữ kỹ thuật số trước đây, cách lưu trữ cũ vốn dễ dàng bị sao chép và dán nhiều bản”, ông ông Phạm Toàn Thắng nói.

Họa sĩ Đặng Tiến, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng cho rằng, mỹ thuật Việt Nam lâu nay đã quá loay hoay mà vẫn chưa giải quyết được câu chuyện tranh giả, tranh nhái. Điều đó làm giảm uy tín và niềm tin đối với thị trường hội họa trong nước cũng như đối với việc hội nhập. Ông hy vọng, sự xuất hiện của công nghệ hiện đại NFT mang tính bảo chứng tính chân xác về giá trị, nguồn gốc của tác phẩm sẽ là động lực để giới hội họa và các nhà sưu tập thực sự yên tâm khi sáng tác cũng như sở hữu những tác phẩm mang giá trị cao.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.