Cao tốc BOT chưa đạt chuẩn vẫn thông xe: Tai nạn tăng trên 100%

Cao tốc chưa đạt chuẩn và ô tô vẫn đi chung với xe máy, theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh là nguyên nhân tăng tai nạn. Ảnh: Anh Trọng.
Cao tốc chưa đạt chuẩn và ô tô vẫn đi chung với xe máy, theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh là nguyên nhân tăng tai nạn. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Thông xe trong tình trạng thiếu đường gom và phương án phân luồng cho xe máy đi vào đường nhánh không thành, phương tiện đi lại hỗn độn là nguyên nhân làm tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang tăng hơn 100% thời gian qua.

Trước những bất cập về hạ tầng và giao thông trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn gửi Bộ GTVT và các cơ quan liên quan về tình hình tai nạn giao thông tại đây.

Số người chết tăng 50%

Cụ thể, văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, từ ngày 25/5 - 25/6 (thời điểm bắt đầu thu phí), cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, khiến 3 người chết, 13 người bị thương. So với tháng trước đó, tăng 8 vụ (133,3%); tăng 1 người chết (50%); tăng 9 người bị thương (125%). Lý giải nguyên nhân chính gây ra tai nạn, Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cho rằng, xe máy đi chung đường với ô tô khi lưu thông với tốc độ 100km/h là nguyên nhân gây ra tai nạn. “Cùng với đó, trên các vị trí đường cao tốc giao cắt với đường địa phương tình trạng xe đưa đón, trả khách thường xuyên diễn ra”, văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu.

Ghi nhận trên tuyến cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang những ngày qua, chúng tôi thấy, mật độ phương tiện rất lớn. Xe tải, xe khách cùng xe máy lưu thông lẫn lộn do tuyến đường này chưa có đường gom dành cho xe máy, nhưng xe ô tô vẫn được chạy với tốc độ 100 km/h. Đặc biệt, trên khoảng 20 km đường cao tốc đi qua địa phận Bắc Ninh, có tới 7 cầu vượt, điểm giao cắt trực tiếp với đường cao tốc nhưng không có rào chắn, bờ ngăn cản xe máy và người đi bộ. Trong sáng 17/8, chúng tôi ghi nhận bên dưới mỗi gầm cầu này đều có các tốp người đứng chờ xe khách.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho biết, về nguyên tắc đường cao tốc phải có đường gom cho xe máy và thô sơ, tuy nhiên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn đi qua tỉnh Bắc Ninh lại không có. Về mặt kỹ thuật, cao tốc này khi đưa vào thông xe vẫn chưa đạt chuẩn. Tại thời điểm thông xe, nhà đầu tư là Cty CP đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang đã lên phương án phân luồng cho xe máy đi vào các đường nhánh để ra QL1 cũ, tuy nhiên do phải đi xa nên người dân không thực hiện.  

Để đảm bảo an toàn giao thông cho cả ô tô và xe máy, khi tuyến đường chưa có đường gom, Sở GTVT Bắc Ninh đã đề nghị Cty CP đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang chỉ nên cho lưu thông với tốc độ dưới 80km/h. Tuy nhiên gần đây nhà đầu tư vẫn cho xe lưu thông với tốc độ tối đa 100km/h.

Doanh nghiệp kêu “thu phí bất công”

Bức xúc trước việc cao tốc chưa đạt chuẩn vẫn thu phí BOT giá cao, Hội các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP Bắc Ninh đã có văn bản khiếu nại với UBND tỉnh Bắc Ninh. Theo lý giải của Hội các DN Nhật Bản, tổng quãng đường thu phí BOT được tính đến tận Bắc Giang, tuy nhiên KCN VSIP ở ngay giáp Hà Nội (xã Phù Chẩn, Từ Sơn, Bắc Ninh) nên không có nhu cầu sử dụng hết quãng đường. “Khu công nghiệp VSIP nằm sát trạm thu phí BOT 1 - 2 km, cùng với đó cách thu phí trọn cả tuyến dài gần 50km đã tạo sự bất công bằng với các DN của chúng tôi”, đại diện Hội các DN Nhật Bản nêu.

Cty CP ALS Đông Hà Nội đang hoạt động tại KCN VSIP cũng có đơn phản ứng với các cơ quan chức năng. Theo Cty này, với mức phí xe tải 4 - 10 tấn là 75.000 đồng/lượt, từ tháng 6 đến nay mỗi ngày DN đang mất 2 triệu đồng tiền phí, mỗi tháng 60 triệu đồng. Chưa kể, đường qua trạm thu phí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. “Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong KCN như: chi phí xăng dầu, năng suất lao động do tăng thời gian di chuyển, chất lượng dịch vụ…”, đại diện DN cho hay.

Một số lái xe khi được hỏi cũng tỏ ra bức xúc về những bất cập trong việc áp dụng thu phí “cứng” tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Hệ lụy của việc này là hàng loạt xe tải, xe container tìm cách “né” trạm thu bằng cách đi vào đường tỉnh lộ, đường làng thuộc tỉnh Bắc Ninh và xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ông Đỗ An Tuấn, xã Phù Đổng bức xúc: Để tránh thu phí, xe tải, xe bồn chạy rầm rầm vào đường xã cả ngày lẫn đêm, quần nát các tuyến đường ven đê. “Với mật độ xe dày đặc, đến khi học sinh đi học, chúng tôi rất lo cho sự an toàn của các cháu”, ông Tuấn nói.   

Với tổng kinh phí đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng, sau 2 năm được Cty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang cải tạo, nâng cấp, QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang trở thành đường cao tốc thu phí từ tháng 5/2016. Ô tô con có giá 35.000 đồng/lượt; ô tô tải lớn có giá 200.000 đồng/lượt. Với tổng chiều dài 45 km, nhà đầu tư dự án được Bộ GTVT duyệt thu phí trong vòng 18 năm 7 tháng. Theo thiết kế, sau khi thông xe tuyến đường có vận tốc 100 km/h và chỉ dành cho xe ô tô lưu thông.   

Anh Trọng

Như Tiền Phong đã phản ánh trong loạt bài “Nghịch lý các dự án BOT” vừa qua, lý giải cho việc tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang không có đường gom cho xe máy, đại diện nhà đầu tư và Bộ GTVT cho rằng, họ đã có phương án phân luồng cho phương tiện đi sang QL1 cũ. Nhưng do phải đi vòng xa nên phương án trên không được người dân thực hiện. Trước tình hình này, cả nhà đầu tư và Bộ GTVT đã phải “chữa cháy” bằng việc đề xuất Chính phủ chi thêm khoảng 1.500 tỷ đồng để làm đường gom.       

Anh Trọng 

MỚI - NÓNG