Tổ tuần tra đội CSGT quận 7 (TP HCM) làm nhiệm vụ trên đường Hoàng Quốc Việt chiều 13/4. Bước nhanh ra vệ đường, thiếu uý Phạm Minh Nghĩa ra hiệu lệnh dừng xe máy cô gái vừa vượt qua giao lộ khi đèn giao thông chuyển sang đỏ. Nghe cảnh sát thông báo về lỗi không chấp hành tín hiệu đèn, cô gái kéo khẩu trang, nhăn nhó: “Lúc em đi qua đèn vẫn xanh mà”.
Chỉ vào chiếc camera nhỏ gắn một bên mũ, thiếu uý Nghĩa cho hay đã ghi được hình ảnh cô vi phạm và đề nghị hợp tác. Vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy thiết bị trên mũ và tay của anh cảnh sát trẻ, cô gái phân bua “em tưởng lúc băng qua đèn còn vàng” rồi ký vào biên bản vi phạm.
Có ít nhất 5 trường hợp vi phạm luật giao thông bị cảnh sát "tuýt còi" xử lý trong buổi tuần tra. Cũng như cô gái, sau khi được cảnh sát thông báo camera đã ghi được hình ảnh vi phạm, họ đều tỏ ra vui vẻ, ký biên bản xử phạt.
Hệ thống camera gắn trên mũ CSGT vừa được Đội CSGT quận 7 triển khai được ví như “mắt thần” phục vụ công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Mỗi ca trực, tổ CSGT sẽ được cấp một camera và một màn hình nhỏ đeo ở tay như chiếc đồng hồ. Màn hình này thể hiện tầm ghi hình của camera và cũng là nơi tắt, mở bộ phận.
Khi làm nhiệm vụ, CSGT sẽ bật camera ghi lại những tình huống vi phạm trên đường như xe không bật đèn tín hiệu khi chuyển hướng, vượt đèn đỏ… Thiết bị này có độ phân giải cao và tầm quan sát xa nên CSGT có thể ghi nhận từ khoảng cách hàng chục mét. “Từ khi sử dụng nó trong các ca tuần, chúng tôi chỉ cần giải thích lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chứ không gặp phải tranh luận gay gắt từ phía họ. Bởi trước đây chúng tôi khó có những bằng chứng hình ảnh khi người vi phạm cố tình phủ nhận lỗi", thiếu uý Nghĩa cho biết.
Trao đổi với VnExpress, thiếu tá Phạm Hồng Nam - Đội phó CSGT quận 7 - cho biết, ý tưởng gắn camera trên mũ cảnh sát đã có từ lâu khi nhiều người vi phạm không hợp tác, bắt chứng minh lỗi vi phạm bằng hình ảnh. Từ khi luật xử lý hành chính có hiệu lực, đơn vị đã đề xuất triển khai gắn camera cho lực lượng tuần tra.
Lúc đầu, CSGT quận 7 thử loại camera cài áo nhưng thời lượng pin của thiết bị kém và không ghi hình được ở khoảng cách xa. Sau khi tìm hiểu, đơn vị đã tìm được thiết bị phù hợp với mục đích sử dụng như hiện tại. Bộ “mắt thần” này được lãnh đạo quận 7 duyệt chi khoảng 10 triệu đồng một bộ, sau đó đơn vị “chế” thêm khung để gắn chặt vào mũ CSGT.
Về nguyên tắc hoạt động, thiếu tá Nam cho hay, trước khi ra đường làm nhiệm vụ tổ CSGT phải ký nhận thiết bị như một công cụ hỗ trợ. Khi hết ca trực, hình ảnh sẽ được trích xuất ra máy tính, lưu giữ. Ngoài việc ghi hình người vi phạm trên đường, camera có hiệu quả cao trong việc xử lý những người vi phạm nồng độ cồn.
Chiếc mũ được gắn camera dành cho các CSGT quận 7. Ảnh: Quốc Thắng/ VnExpress
Thiếu tá Nam dẫn chứng, mới đây, một người đàn ông chạy xe máy có biểu hiện say rượu đã bị tổ kiểm tra chuyên đề về nồng độ cồn dừng xe. Kết quả thử nhanh cho thấy đã vi phạm quy định, song ông một mực phủ nhận. Dù người này la lối, chống đối không chịu ký biên bản nhưng cảnh sát vẫn tạm giữ xe. Đến hôm sau lên làm việc, ông không nhớ bất kỳ tình tiết nào về việc bất hợp tác với cảnh sát cho đến khi được xem những hình ảnh camera ghi lại.
"Trước đây, với các trường hợp tương tự chúng tôi phải mời người làm chứng ký vào biên bản. Còn bây giờ những hình ảnh camera ghi lại là những chứng cứ khách quan nhất nên người vi phạm không còn gay gắt tranh luận nữa", thiếu tá Nam nói.
Từ ngày trang bị camera, đội CSGT quận 7 cũng quản lý có hiệu quả hơn với các cán bộ, chiến sĩ. Đội phó Nam cho biết, các CSGT được phân công làm nhiệm vụ ở các tuyến đường và thời gian khác nhau, qua hình ảnh camera ghi lại chỉ huy sẽ biết có hay không việc tuân thủ chấp hành nhiệm vụ.
"Thiết bị này còn là mong muốn của chỉ huy đội trong việc chống tiêu cực khi buộc các CSGT làm nhiệm vụ ở những chuyên đề hay lập chốt phải mở máy liên tục. Các trường hợp ra hiệu dừng xe nhưng không lập biên bản xử lý hay các vi phạm khác sẽ bị phát hiện”, thiếu tá Nam cho hay.
Tuy nhiên, theo đội phó CSGT quận 7, bên cạnh những ưu điểm, camera vẫn còn hạn chế khi không cho phép xem lại tại chỗ; chỉ hoạt động liên tục được 2 tiếng trong khi ca trực của tổ CSGT có thời gian gấp đôi.
"Do vậy thiết bị này không thể lúc nào cũng bật, mà tuỳ thuộc vào sự linh động của tổ công tác. Sắp tới, nhược điểm này sẽ được khắc phục với hướng nâng thời lượng pin để có thể đạt được hết những mục đích mong muốn”, thiếu tá Nam nói.