Cảnh giác với các vụ kiện thương mại

TP - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến đầu năm 2014, đã có 73 vụ kiện của nước ngoài đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong số 73 vụ kiện, có 43 vụ kiện chống phá giá. Đáng chú ý, giai đoạn 1994-2007 (13 năm) Việt Nam bị 33 vụ; nhưng giai đoạn 2008-2013 (5 năm) có đến 38 vụ. Các vụ kiện thường có xu hướng kiện kép, nhằm vào tốp mặt hàng chủ lực, thị trường xuất khẩu chủ lực. DN bị đơn thường là các DN vừa và nhỏ hoặc các DN FDI có sử dụng nhiều lao động.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ thương mại quốc tế cho biết, các vụ kiện thường gây nhiều thiệt hại cho DN. Để theo đuổi các vụ kiện, các DN thường phải mất nhiều chi phí, làm giảm năng lực cạnh tranh hàng hóa, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm, nguy cơ mất thị trường.

Theo bà Loan, với năng lực xuất khẩu ngày càng tăng cùng với việc Việt Nam đang tham gia sâu vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua hàng loạt các FTA mới, sẽ tạo cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (thủy sản, dệt may, gạo, giày dép…) mở rộng thị trường. Tuy nhiên, kèm theo đó là việc phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.

Bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN nước ngoài (Cục Quản lý cạnh tranh), các DN Việt Nam cần tận dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại thông qua chủ động nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật Phòng vệ thương mại. Cùng với đó, DN phải tham gia vào công tác kháng kiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, chủ động trao đổi cụ thể với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội và cơ quan tham tán thương mại tại các nước.

MỚI - NÓNG