Chủ động đối phó với những vụ kiện thương mại

Chủ động đối phó với những vụ kiện thương mại
Trao đổi với bà Đinh Thị Mỹ Loan - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) - xung quanh các vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm của Việt Nam.

Những vụ kiện chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Việt Nam liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây là những khó khăn thách thức mới của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, nhưng rõ ràng cũng chứng tỏ sự lớn mạnh về xuất khẩu của Việt Nam và khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam đang tăng lên. Bà bình luận như thế nào về điều này và đánh giá ra sao về năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam?

- Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hơn 20%/năm. Hàng Việt Nam có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên bước đầu đã có được chỗ đứng vững chắc trên một số thị trường tiêu thụ trọng điểm.

Việc hàng hoá Việt Nam phải đối phó với nhiều vụ kiện thương mại trong thời gian gần đây chứng tỏ chúng ta đã trở thành một đối tác có sức mạnh mới trong giao lưu thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, đây cũng là những khó khăn thách thức mới của Việt Nam trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, các vụ kiện thương mại xuất hiện ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã sử dụng các biện pháp bảo đảm công bằng trong thương mại quốc tế (trade remedies) bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ để bảo hộ ngành sản xuất và thị trường trong nước. Về bản chất, đây chính là những rào cản mới mà các nước này tận dụng các quy định mở của WTO dựng lên để thay thế cho các biện pháp bảo hộ đã bị dỡ bỏ trong quá trình tự do hoá thương mại.

Ở Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan hữu quan đang phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng ban hành đầu tháng 6/2005 về việc chủ động phòng chống các vụ kiện thương mại nước ngoài, mà ưu tiên hàng đầu là giảm thiệt hại ở mức tối thiểu, bảo toàn năng lực sản xuất và cạnh tranh cho doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam.

Theo bà, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay đang tạo thuận lợi và còn khó khăn như thế nào trong việc tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh ở Việt Nam?

Hiện nay, về khuôn khổ pháp lý nói chung, chúng ta đã có một hệ thống văn bản quy phạm khá đầy đủ để tạo lập và phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh.Hiến pháp 1992 được sửa đổi năm 2001 đã đặt ra những nguyên tắc chung bảo vệ quyền tự do kinh doanh và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần tại Việt Nam. Luật Doanh nghiệp 2001, Luật Đầu tư nước ngoài 2000 và Luật khuyến khích đầu tư trong nước 1998, Luật Phá sản 2004 ... và gần đây nhất là Bộ luật Dân sự (sửa đổi ), Luật Thương mại (sửa đổi ) đều theo tinh thần đó. Đặc biệt, cuối năm 2004, lần đầu tiên Luật Cạnh tranh đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2005.

Việc ban hành Luật Cạnh tranh là một bước đi quan trọng của Việt Nam nhằm đáp ứng đòi hỏi hoàn thiện hệ thống pháp luật điều tiết nền kinh tế thị trường, tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh, chống các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. Luật không chỉ giúp các doanh nghiệp hành xử đúng đắn trên thị trường mà còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo tôi, khó khăn chính đặt ra đối với hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh nói riêng là vấn đề thực thi. Việc có nhiều văn bản điều chỉnh trong lĩnh vực kinh doanh cũng dễ dẫn đến chồng chéo trong quy định, gây cản trở cho công tác áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, nền kinh tế xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn khiến cho nhiều quy định pháp luật, dù mới được ban hành, đã không còn phù hợp.

Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Tiếp theo Luật Cạnh tranh, các dự Luật Doanh nghiệp thôngs nhất, Luật Đầu tư chung đang được hoàn thiện hy vọng sẽ thành công trong việc đảm bảo hoạt động vững mạnh của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Một thách thức không nhỏ nữa là vấn đề xây dựng nền “văn hoá cạnh tranh”, trong đó việc nâng cao nhận thức về chính sách và pháp luật cạnh tranh cho toàn xã hội nói chung và cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng là một trong những công việc cấp bách mà chúng ta cần hết sức coi trọng để xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh ở Việt Nam.

Mặc dù mới được thành lập, nhưng Cục Quản lý cạnh tranh đã tỏ ra là một cơ quan khá năng động. Xin bà cho biết cụ thể về những việc đã làm được và những kế hoạch trong tương lai của Cục để thực hiện chức năng là cơ quan quản lý cạnh tranh?

Cục Quản lý cạnh tranh được thành lập từ tháng 2/2004 với chức năng chính là quản lý nhà nước về cạnh tranh, chống độc quyền, chống bán phá giá, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam; phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc đối phó với các biện pháp của các đối tác thương mại nhằm hạn chế xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường các nước và bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, Cục đã nỗ lực triển khai các giải pháp thực thi có hiệu quả Luật Cạnh tranh và các Pháp lệnh liên quan; đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực mới mẻ này. Cục Quản lý cạnh tranh đã tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực cạnh tranh như quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; quy định về xử lý vi phạm pháp luật cạnh, các nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống phá giá hàng hoá nhập khẩu, Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu.

Với sự hỗ trợ của các cơ quan cạnh tranh các nước và các tổ chức quốc tế, Cục Quản lý cạnh tranh đã tổ chức các khoá đào tạo kỹ năng cơ bản cho điều tra viên về chống thoả thuận hạn chế cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế. Cục đã tổ chức nhiều hội nghị hội thảo, toạ đàm phổ biến tuyên truyền chính sách và pháp luật cạnh tranh và các biện pháp bảo đảm công bằng trong thương mại quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Cục cũng đã chủ động xây dựng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế UNCTAD, OEECD, APEC; mạng cạnh tranh quốc tế và cơ quan cạnh tranh các quốc gia phát triển như Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Autralia. Gần đây nhất, tại Diễn đàn Tư vấn cạnh tranh các nước ASEAN tổ chức tại Băng Cốc tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh của Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch Diễn đàn trong năm 2006 và sẽ giữ chức Chủ tịch trong năm 2007.

Liên quan đến các vụ kiện thương mại quốc tế, Cục đã tích cực phối hợp với các cơ quan đơn vị hữu quan, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng chuẩn bị và kháng kiện trong các vụ kiện thương mại về chống bán phá giá, tự vệ đối với hàng hoá Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Bên cạnh việc thông tin kịp thời, hướng dẫn thủ tục cho các doanh nghiệp Việt Nam, Cục cũng là đơn vị chủ trì ở cấp chuyên viên trong đàm phán với cơ quan chức năng của các đối tác thương mại về quy chế kinh tế thị trường.

Trong thời gian tới, các ưu tiên của chúng tôi là việc triển khai các văn bản pháp luật đã và sẽ được ban hành, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho cơ quan cạnh tranh, đào tạo điều tra viên và thực hiện khảo sát một số thị trường, ngành hàng phục vụ công tác xử lý các vụ việc cạnh tranh. Cục cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trên toàn quốc trong việc chủ động phòng chống các vụ kiện thương mại nước ngoài, tăng cường các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

Xin bà cho biết diễn biến mới nhất của vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng giầy có mũ da và những vụ việc khác Việt Nam đang phải theo kiện? Bà đưa ra lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam qua những vụ kiện này?

Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh đang theo dõi một số vụ kiện thương mại đối với hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài như chống bán phá giá giầy có mũ da tại EU, tự vệ đối với xe đạp tại Canada.

Về diễn tiến vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng giầy mũ da, đây là vụ việc có ảnh hưởng lớn tới một ngành sản xuất- xuất khẩu chủ lực và trên một thị trường trọng điểm của Việt Nam, do đó Cục Quản lý cạnh tranh đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bên hữu quan có sự chuẩn bị ứng phó ngay từ giai đoạn đầu, thậm chí trước khi Uỷ ban Châu Âu (EC) ra quyết định điều tra. Cục đã làm việc cụ thể với EC nhằm cập nhật thông tin và hướng dẫn kịp thời cho các doanh nghiệp trong ngành, phối hợp với các cơ quan Thương vụ hỗ trợ Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam trong việc đề xuất nước thay thế (Thái Lan thay cho Brazil).

Cho đến nay, 8 doanh nghiệp trong danh sách mẫu điều tra đã hoàn tất trả lời bản câu hỏi điều tra và đã nộp cho EC đúng hạn, tức là trước ngày 12/09/2005. Từ ngày 20/09 đến 14/10/2005, các chuyên gia của EC sẽ vào Việt Nam điều tra tại chỗ 8 Cty nói trên.

Thực tế những vụ kiện vừa qua cho thấy, các Hiệp hội cần phải giữ vai trò trung tâm liên kết, điều phối hoạt động của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần đoàn kết, thống nhất để chuẩn bị thật chu đáo theo một chiến lược chung.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cấn có chiến lược đa dạng hoá các sản phẩm, đa dạng hoá thị trường nhằm phân tán rủi ro; tăng cường tìm hiểu thông tin, xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài cũng như nâng cao nhận thức về pháp luật thương mại quốc tế nói chung và pháp luật chống bán phá giá nói riêng; hoàn thiện hệ thống sổ sách chứng từ kế toán phù hợp với các quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế; chủ động tham gia giải quyết vụ kiện phát sinh, lựa chọn sử dụng luật sư tư vấn phù hợp và nắm bắt thời cơ kháng kiện.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.