Cảnh giác trước 'nguy cơ thôn tính kinh tế'

Gã khổng lồ Boeing của Mỹ đã mất gần 60% giá trị thị trường kể từ tháng 2. Ảnh: assemblymag.com
Gã khổng lồ Boeing của Mỹ đã mất gần 60% giá trị thị trường kể từ tháng 2. Ảnh: assemblymag.com
TP - Một số quốc gia trên thế giới đang dựng lên các rào cản để ngăn chặn các công ty nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, mua lại các tài sản quan trọng bị mất giá do đại dịch coronavirus.

Từ Mỹ, Ấn Độ đến Úc, các chính phủ đã lên tiếng cảnh báo về sự cần thiết phải giữ các ngành công nghiệp chính khỏi rơi vào tay nước ngoài.

Đại dịch đã giáng một đòn mạnh chưa từng thấy vào nền kinh tế thế giới kể từ cuộc Đại suy thoái trong thập niên 1930. Liên Hợp Quốc ước tính thiệt hại trên toàn thế giới lên đến 2 nghìn tỷ USD.

Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones, mặc dù có sự phục hồi gần đây, đã giảm 18% kể từ cuối tháng 2.

Boeing và Airbus, hai gã khổng lồ sản xuất máy bay Mỹ và châu Âu đã mất gần 60% giá trị thị trường kể từ giữa tháng 2.

Khi giá trị tài sản của công ty hàng không vũ trụ và năng lượng giảm, các chính phủ lo lắng rằng cơ hội mua đang được tạo ra cho những đối thủ như Trung Quốc.

Margrethe Vestager, ủy viên Ủy ban Cạnh tranh của Liên minh châu Âu, nói hồi tháng trước rằng các nước châu Âu nên xem xét việc mua cổ phần trong các công ty để ngăn chặn khả năng Trung Quốc sẽ nhảy vào tiếp quản, Financial Times đưa tin.

Đại dịch đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo chính phủ trên toàn thế giới rằng các quốc gia dựa vào Trung Quốc rất nhiều với các sản phẩm đơn giản nhưng quan trọng, từ khẩu trang đến thuốc men.

Trung Quốc không được nêu tên cụ thể trong bất kỳ biện pháp mới nào, nhưng khi thảo luận về sự cần thiết của chúng, các quan chức bày tỏ lo ngại sự phụ thuộc quá mức vào nền sản xuất ở Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách của châu Âu gần đây lập luận rằng sự cố chuỗi cung ứng trong cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có năng lực sản xuất các nguyên liệu chính ở trong nước.

Úc, nước phụ thuộc nhiều vào quan hệ thương mại với Bắc Kinh - gần đây đã yêu cầu tất cả các vụ mua lại có yếu tố nước ngoài phải trải qua đánh giá, xem xét. Họ cũng mở rộng quá trình xem xét - trước đây là 30 ngày - lên đến 6 tháng.

Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg đã bày tỏ lo ngại về các tài sản bị tác động tiêu cực do dịch bệnh có thể rơi vào tay nước ngoài.

“Có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng các giao dịch tái cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp Úc, cùng với đó là các cơ hội đầu tư, mua lại tài sản. Nếu không có những thay đổi này, rất có thể nhiều doanh nghiệp Úc sẽ bị bán cho nước ngoài mà không có sự giám sát của chính phủ, gây ra rủi ro cho lợi ích quốc gia”, đại diện chính phủ Úc nói trong một tuyên bố, theo SCMP.

Ấn Độ cũng có bước đi tương tự Úc. Ngày 17/4, New Delhi đã sửa đổi các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài áp dụng đối với“bất kỳ quốc gia nào có chung đường biên giới trên đất liền”, “một động thái rõ ràng nhằm vào Trung Quốc”, nhóm nghiên cứu của Viện Brookings (Mỹ) nhận định.

Tâm lý chống Trung Quốc gia tăng?

Một báo cáo nội bộ của Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh đang phải đối mặt với làn sóng thù địch, gia tăng sau sự bùng nổ của coronavirus, có thể khiến mối quan hệ với Mỹ chuyển thành thế đối đầu, Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết.

Báo cáo, được Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc trình bày hồi đầu tháng trước trước các lãnh đạo cấp cao, kết luận rằng tâm lý chống Trung Quốc trên toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, các nguồn tin nói.

Báo cáo nói Bắc Kinh phải đối mặt với làn sóng tâm lý chống Trung Quốc do hậu quả của đại dịch và cần phải chuẩn bị tình huống xấu nhất cho cuộc đối đầu giữa hai cường quốc toàn cầu.

Báo cáo được lập bởi Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), một cơ quan tư vấn liên kết với Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, cơ quan phụ trách an ninh quốc gia và tình báo.

Khi được hỏi về báo cáo này, Văn phòng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ không có thông tin liên quan.

MỚI - NÓNG