Cảnh giác tiểu xảo bán hàng online

Cảnh giác tiểu xảo bán hàng online
Với lợi thế nhanh gọn, không mất chi phí đầu tư và thuê mặt bằng, kinh doanh thời trang online đang được coi là xu hướng đầu tư mới của các bạn trẻ. Tuy nhiên, để thu hút khách hàng, nhiều chủ shop thời trang “ảo” đã dùng nhiều chiêu trò và tiểu xảo, khiến loại hình kinh doanh này đang gây mất lòng tin cho người mua.

9X khởi nghiệp từ bán hàng online, kiếm 100 triệu/tháng

Bỏ việc đi buôn

Với mong muốn kiếm thêm thu nhập, Nguyễn Phương Anh, du học sinh tại Úc đã mở một trang facebook chuyên bán hàng xách tay. Sau khi đăng tải các sản phẩm cùng thông tin lên trang bán hàng, Phương Anh gửi đến tất cả bạn bè trong facebook cá nhân của mình như một cách quảng cáo nhanh và hiệu quả.

Theo đó, khách hàng ưng sản phầm nào chỉ cần nhắn tin và chuyển khoản 100% số tiền sản phẩm theo giá bán của thương hiệu, cộng với phí vận chuyển và tiền hoa hồng cho cô. Sau khi nhận được tiền của khách, Phương Anh mới mua và chuyển hàng về Việt Nam.

Với sự giúp đỡ của bạn bè và người thân ở Việt Nam, Phương Anh luôn đảm bảo hàng được giao đến tận tay người mua. Do vậy, dù cách xa nửa vòng trái đất, khách hàng “ruột” của cô đều tin tưởng vào chất lượng những mặt hàng đã mua từ cô.

Buôn bán quần áo, đồ dùng phụ kiện thời trang các loại từ may sẵn, đến hàng “Made in Vietnam”, hàng Trung Quốc, thậm chí là qua đường xách tay hoặc đặt hàng từ nước ngoài đang nở rộ trong thời gian qua.

Hình thức này phần nào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ khách hàng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ, dân văn phòng... Sau một thời gian chật vật tìm việc, rồi chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, Trần Thu Hương, đang là chủ một cửa hàng thời trang trên mạng đã quyết định bỏ việc đi buôn. Lặn lội sang Quảng Châu, Trung Quốc nhập hàng về bán, cô tiết lộ, bán quần áo online không mất vốn thuê mặt bằng, kiếm tiền dễ. Một tháng chỉ cần “gom” vài ba chuyến hàng là thoải mái ngồi “rung đùi đếm tiền”.

Thời buổi công nghệ số, ai cũng dùng Facebook nên bán hàng qua Facebook vừa đơn giản, nhanh gọn, ảnh lại đẹp lung linh, nếu khéo “nịnh” và chiều lòng khách nữa thì lúc nào cũng “cháy hàng”.

Ngay cả dân văn phòng, giới công chức có mức thu nhập trung bình cũng tham gia vào chợ “ảo” nhằm có thêm nguồn thu. Mọi giao dịch với khách hàng đều được họ trao đổi qua facebook hay yahoo, email,…. Khách hàng ưng món đồ nào có thể đến xem sau giờ làm việc, hoặc giờ nghỉ trưa, nếu đồng ý mua mà không cần xem hàng, chủ shop online sẽ giao hàng tận nơi cho khách.

Đừng tin vào hình ảnh

Trên thực tế, khi mua hàng trên các trang web yếu tố đầu tiên thu hút khách hàng chính là hình ảnh. Để có một hình ảnh đẹp và bắt mắt, ít ai biết rằng chủ các gian hàng đã nhờ những người mẫu “nghiệp dư” khoác lên mình những món đồ cần bán, rồi sử dụng những chiếc điện thoại với phần mềm chụp ảnh photoshop để “phù phép” hình ảnh lung linh hơn. Với những tư thế tạo dáng gợi cảm, khoe được vẻ đẹp của cả người mẫu lẫn sản phẩm vì mục đích biến sản phẩm đẹp hơn thực tế nhiều lần, không ít khách hàng đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò này.

Chị Nguyễn Thanh Tú, ở quận Ba Đình cho hay, mới đây chị đã mua phải một chiếc áo khoác may như “hàng chợ” chỉ vì tin vào những bức ảnh chụp trên mạng từ một website bán hàng online. Chị Tú than phiền, nhìn thấy người mẫu mặc đẹp nên chị đã đồng ý mua chiếc áo với giá 900.000 đồng. Đến khi họ giao đồ chị Tú mới phát hiện chất liệu khác một trời, một vực với bức ảnh được đăng trên mạng, chưa kể lớp lót bên trong được may rất ẩu, nhiều chỗ nhăn nhúm. Gọi điện thoại cho chủ cửa hàng phàn nàn, chị được họ trả lời nếu không đồng ý có thể chọn mẫu khác chứ không được trả lại tiền.

Một số trang web bán hàng thời trang còn “tung hoả mù” bằng cách tự đăng tải những tin nhắn khen ngợi sản phẩm của chính họ kiểu như “Shop ơi, em nhận được hàng rồi, ưng lắm ý”, “Hàng chuẩn không cần chỉnh. Có gì mới lại tag mình nhé”,… từ tài khoản Facebook và số điện thoại khác của chính mình rồi gửi vào tài khoản Facebook hay điện thoại mà mọi người đã biết để “khoe khéo” với khách hàng. Thậm chí, chủ các trang web còn nhờ bạn bè vào bình luận và khen ngợi các bức ảnh đăng ảnh trên website như một hình thức quảng cáo mức độ quan tâm của người mua đối với sản phẩm đó.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hùng - Giám đốc công ty giải pháp bán hàng online, với thói quen tiêu dùng của người Việt, mua sắm online vẫn chưa có chỗ đứng và tạo được niềm tin thực sự. Bên cạnh những trang web kinh doanh có uy tín thì có không ít trang bán hàng quảng cáo quá mức, thậm chí dùng các chiêu thức, thủ thuật để đánh lừa khách hàng. Do vậy, người mua nên tinh ý và có kiến thức về tiêu dùng để chọn những sản phẩm phù hợp với mình. Và trước khi mua bất kỳ món đồ nào trên các web bán hàng online, khách hàng nên trực tiếp đến tận nơi xem xét kỹ càng, đừng bị đánh lừa bởi những hình ảnh lung linh trên mạng, kẻo vừa mất tiền, vừa chuốc bực vào mình.

Theo Ngọc Bảo
An Ninh Thủ Đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.