Theo các quan chức quân đội Indonesia, tàu ngầm KRI Nanggala 402 khi mất tích “vẫn ở trong tình trạng tốt và sẵn sàng chiến đấu”.
Điều kiện thời tiết ở khu vực tìm kiếm tàu ngầm vẫn đang thuận lợi. Nhưng đội cứu hộ chỉ còn thời gian tối đa hai ngày, vì các thủy thủ trên tàu chỉ có đủ dưỡng khí để tồn tại đến sáng sớm thứ Bảy, tức khoảng 72h sau khi tàu mất điện.
Cơ hội sống sót của các thủy thủ cũng trở nên mong manh, khi các quan chức quân đội nhận định chiếc tàu ngầm có thể đã chìm xuống độ sâu 600-700m.
Ahn Guk-hyeon, một quan chức của Công ty Cơ khí Hàng hải và Đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc, cho biết hầu hết các tàu ngầm đều sẽ vỡ nếu chúng xuống sâu hơn 200m vì áp lực quá lớn lên thân tàu.
Ông Ahn cho biết công ty của ông đã nâng cấp cấu trúc và hệ thống bên trong tàu ngầm, nhưng hiện không có nhiều thông tin về con tàu vì đã không tham gia bất cứ quá trình sửa chữa nào trên tàu trong suốt chín năm qua.
Frank Owen, thư ký Viện Tàu ngầm Australia, cũng cho rằng tàu ngầm KRI Nanggala 402 có thể “ở dưới tầm với của đội cứu hộ”, vì các máy móc “có thể vẫn tồn tại ở độ sâu 600m đổ xuống, nhưng chúng có thể sẽ không hoạt động”.
Tàu ngầm KRI Nanggala 402 gặp sự cố sáng 21/4 ở phía Bắc đảo Bali, khi đang tham gia một cuộc diễn tập. Trên tàu có 53 người, gồm 49 thủy thủ, một chỉ huy và ba chuyên gia vũ khí.
Thứ Tư (21/4)
- 3h46’ sáng: Tàu ngầm KRI Nanggala 402 lặn xuống nước
- 4h: Tàu ngầm yêu cầu được cho phép thực hiện cuộc diễn tập phóng ngư lôi
- 4h25’: Trước khi được cấp phép, tàu ngầm mất liên lạc
- 8h:Vết dầu loang được phát hiện ở vị trí tàu ngầm lặn xuống
- 15h: Hải quân triển khai tàu hỗ trợ đội tìm kiếm và yêu cầu sự giúp đỡ từ Australia, Singapore.
Thứ Năm, 22/4
- 12h08’: Hải quân Indonesia cho biết các tàu tìm kiếm vẫn chưa phát hiện bất cứ dấu vết nào của tàu ngầm