Cảnh báo khả năng khủng bố “kiểu 11/9“

Bất ổn dân sự trong xã hội Pháp có chiều hướng gia tăng.
Bất ổn dân sự trong xã hội Pháp có chiều hướng gia tăng.
Sau những vụ xả súng xảy ra gần đây, tình báo Pháp lo ngại những cuộc tấn công kiểu 11/9 ở Mỹ năm 2001 có thể xảy ra. An ninh đang được siết chặt ở nhiều nơi trên khắp nước Pháp. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng được đặt vào tình thế sẵn sàng chiến đấu.

Lo ngại từ những bất ổn dân sự

Tờ Telegraph (Anh) dẫn nguồn thông tin thân cận với tình báo Pháp cho biết, những bất ổn dân sự gia tăng đang trở thành mối đe dọa lớn cho an ninh của Pháp. "Những bất ổn dân sự có thể dẫn đến những cuộc tấn công nhằm vào máy bay chở khách hoặc một cuộc tấn công kiểu 11/9. Các hãng hàng không đã được cảnh báo về tình trạng này. Tuy nhiên, các phi công không chắc chắn làm thế nào để có thể chống lại những hành động nguy hiểm có thể xảy ra", tờ Telegraph đưa tin.

Trong một cuộc trả lời báo giới thời gian gần đây, Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande yêu cầu các đơn vị chức năng chuẩn bị lực lượng, phương tiện để đối phó với tình trạng bạo lực và sự nổi dậy của các chiến binh Hồi giáo. Quân đội Pháp đã xây dựng kế hoạch để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, kiểm soát chặt chẽ các khu vực có nhiều người dân chống đối với chính quyền hoặc những nơi mà người dân dễ dàng sở hữu súng đạn.

"Có rất nhiều trẻ em nhập cư thế hệ thứ tư hiện đang sống tại những vùng xa thủ đô Paris hoặc ở vùng ngoại ô. Đây là những đối tượng cực đoan "tiềm năng" đáng lo ngại", tờ Telegraph dẫn lời một quan chức Pháp cho biết. Vị quan chức này cho biết thêm: "Giả thuyết cuộc tấn công trên tàu cao tốc từ Hà Lan đến Pháp do một cá nhân thực hiện không đáng tin cậy. Chúng tôi đang tăng cường giám sát các mạng lưới vũ trang của người Hồi giáo".

Súng đạn trôi nổi khó kiểm soát

Theo nhận định của các chuyên gia an ninh thì vấn đề súng đạn trôi nổi ở Pháp đang rất đáng lo ngại. Súng trường tự động Kalashnikov mà các tay súng sử dụng trong vụ tấn công vào tòa soạn báo châm biếm hồi tháng Giêng ở thủ đô Paris dễ dàng tìm thấy ở Pháp.

Nhiều người đã mua súng từ Nam Tư cũ (sau khi cuộc chiến tranh Balkan diễn ra vào những năm 1990). Không ít vũ khí có nguồn gốc từ Libya. Có nguồn tin cho biết, tội phạm có tổ chức và các nhóm khủng bố đã bắt tay với nhau để trao đổi vũ khí.

Sau sự sụp đổ của Muammar Gaddafi, nhà độc tài Libya, các quan chức Pháp đã mô tả đất nước Bắc Phi này như một "thị trường vũ khí mới". Năm 2011, Pháp thừa nhận đã gửi "vũ khí hạng nhẹ" đến Libya nhưng giới truyền thông Pháp cho rằng, các lô hàng gửi đi có cả vũ khí hạng nặng, bao gồm tên lửa chống tăng. 

Có thông tin cho rằng, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo khác đã mua vũ khí hạng nặng từ các nhóm phiến quân ở Libya. Vào năm 2010, cảnh sát Pháp đã thu giữ một tên lửa chống tăng cùng số lượng cần sa lớn. Kể từ thời điểm đó, cảnh sát Pháp thừa nhận, súng, lựu đạn, tên lửa đã được nhập lậu vào đất nước qua nhiều con đường khác nhau.

Một nhân viên của cơ quan tình báo Pháp (DGSI) tiết lộ rằng, cơ quan tình báo nước này đang cảm thấy "bất lực" trong việc cải thiện giám sát các chiến binh Hồi giáo. "Chúng tôi lo ngại sẽ xảy ra sự việc tương tự như vụ 11/9 và các cơ quan tình báo chỉ là những khán giả", vị nhân viên tình báo nói. Khi đề cập đến vụ xả súng trên tàu cao tốc Hà Lan - Pháp hôm 21/8, vị nhân viên tình báo nói rằng, may mắn vì không xảy ra hậu quả nặng nề như vụ xả súng ở tòa soạn báo châm biếm hồi đầu năm.

"Chúng tôi đã rất may mắn vì có những hành khách dũng cảm trên chuyến tàu. Họ đã phối hợp với nhau khống chế, bắt giữ nghi phạm. Nếu không có họ, tổn thất về người sẽ rất lớn. Sự thật là chúng tôi đã cố gắng rất nhiều. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm với hệ thống tổ chức, tư pháp và tài chính như hiện nay", vị nhân viên tình báo nói.

Trước tình hình phức tạp ở Pháp, tại một cuộc họp ở thủ đô Paris hôm thứ bảy tuần trước, một quan chức của Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng, cần tăng cường phối hợp kiểm tra an ninh trên khắp Châu Âu. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nói rằng, cần phải xem lại việc phối hợp giữa các lực lượng trong kiểm tra an ninh một cách có hệ thống tại các sân bay, phương tiện giao thông công cộng…

Một số nguồn tin cho hay, Ayoub El Khazzani, 26 tuổi - tay súng trên tàu tốc hành từ Hà Lan đến Pháp làm 3 hành khách bị thương hôm 21/8 từng qua "lò" đào tạo của IS. Ayoub El Khazzani từng sống tại Madrid, Tây Ban Nha từ giữa năm 2007 đến 2010 trước khi chuyển đến sống tại khu vực cảng phía Nam Algeciras. El-Khazzani bị bắt ít nhất một lần ở Tây Ban Nha vì phạm tội buôn bán ma túy. Hiện động cơ hoạt động của Ayoub El Khazzani chưa được xác định. Tay súng này phủ nhận cáo buộc khủng bố và khẳng định, mục đích của cuộc tấn công là cướp tài sản.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG