Cảnh báo FDI từ Trung Quốc núp bóng ngành gỗ

Ngành gỗ vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 12 tỷ USD năm 2020Ảnh: Bình Phương
Ngành gỗ vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 12 tỷ USD năm 2020Ảnh: Bình Phương
TP - Ngày 15/5, tại hội nghị tìm giải pháp giúp ngành gỗ phục hồi sau dịch COVID-19, liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ để “rửa xuất xứ”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định: “Không để DN nào bị lợi dụng về gian lận xuất xứ. Chúng ta khẳng định với bạn hàng thông điệp đó”.

Hơn 200.000 lao động phải nghỉ, mất việc

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong 3 tháng đầu năm 2020, các DN ngành gỗ hoạt động hiệu quả và tương đối ổn định do hầu hết các đơn hàng cho quý I, quý II được ký kết với các đối tác từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Do vậy, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, đến tháng 4, do dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại những thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Úc, Canada… ,các đối tác và nhà phân phối đều thông báo cắt giảm, hoãn vô thời hạn hoặc hủy các đơn hàng đã ký.

Theo kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội, Tổng cục Lâm nghiệp tại hơn 200 DN, 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng. Có hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển ở EU, Mỹ, Hàn Quốc. Ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như bị tắc do phía đối tác gặp khó khăn. 

Hầu hết các DN thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% DN hoạt động bình thường, 86% DN bị ngừng sản xuất 1 phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất. Theo khảo sát, khoảng hơn 200.000 lao động ngành gỗ phải bố trí việc luân phiên hoặc bị mất việc làm trong tháng 3 và tháng 4/2020.
Theo ông Trị, do những tác động trên khiến xuất khẩu và lâm sản 4 tháng đầu năm chỉ đạt 3,5 tỷ USD.

Cảnh báo đầu tư núp bóng từ Trung Quốc

Ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam năm 2019 đạt hơn 800 triệu USD, tăng trên 30% mỗi năm. Trong 4 tháng đầu năm 2020, dù các dòng sản phẩm khác bị ảnh hưởng rất lớn, nhưng ngành gỗ dán vẫn tăng trưởng đều. 

Tuy nhiên, theo ông Dương, hiện xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ chủ yếu là các DN Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, DN Việt Nam rất ít có cơ hội. Đây là điều đáng tiếc.

Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Woodsland cho biết, hiện thị trường Mỹ chiếm trên 50% (khoảng hơn 5 tỷ USD) của xuất gỗ Việt Nam nên muốn bền vững, cần có biện pháp để giảm thiểu rủi ro. 

Ông Bằng cho rằng, có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Quá nhiều nhà đầu tư mang hết công nghệ gần như hết khấu hao của họ sang Việt Nam, mở nhà máy rất lớn. Có nhà máy doanh số tới 100 triệu USD.

Theo ông Bằng, thị trường Mỹ rất lớn, nhưng khi Việt Nam tăng trưởng quá nhanh, đặc biệt là nghi ngờ có chuyển dịch từ Trung Quốc, đương nhiên Mỹ sẽ không ngồi yên.

Ông Đinh Xuân Lập, Chủ tịch Vietfores cho rằng: “Chúng ta khuyến khích mời gọi các nhà đầu tư FDI, nhưng đề nghị Chính phủ và các tỉnh phải có chính sách để kiểm soát, tránh chuyển dịch nhà máy với công nghệ cũ, mức đầu tư quá nhỏ vào Việt Nam”.

Theo ông Lập, không nên khuyến khích đầu tư những mặt hàng mà thế giới đang áp thuế chống bán phá giá. Ông Lập cũng đề nghị ngăn chặn sự chuyển dịch trốn xuất xứ.

MỚI - NÓNG