Canh bạc đầu tư ra nước ngoài
> Đại gia Việt mang tỷ USD đầu tư ra nước ngoài
> Viettel 'đổ' bao nhiêu tiền ra nước ngoài?
> Xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt
Các doanh nghiệp xem đầu tư ở nước ngoài như "đào ao ra biển" để săn cơ hội lớn. Còn giới chuyên gia lo ngại nếu quản không chặt, mang hàng tỷ USD đến xứ người chỉ là canh bạc tất tay khi trong nước còn nhiều khó khăn.
Myanmar là thị trường mới nổi ở châu Á đang thu hút nhiều nhà đầu tư Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê. |
Xu hướng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng mạnh những năm gần đây. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/12/2012 có 712 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD. Dự kiến năm 2013, vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD; vốn thực hiện 900 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trước làn sóng xuất ngoại đầu tư của các đại gia Việt, cộng thêm cơ chế mở của Pháp lệnh Ngoại hối mới ban hành, một lãnh đạo ngân hàng quan ngại dòng tiền ra nước ngoài làm ăn "đi dễ nhưng khó về".
Trong báo cáo 6 năm thực hiện Pháp lệnh Ngoại hối trình Quốc hội năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng tỏ ra quan ngại. Theo cơ quan này, trong điều kiện dự trữ ngoại hối quốc gia chưa lớn, cán cân thương mại thường xuyên thâm hụt, nguồn cung về ngoại tệ chưa được đảm bảo, áp lực lên tỷ giá lớn, việc chuyển vốn ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài càng làm cho cung cầu ngoại tệ mất cân đối, chưa kể những rủi ro kinh tế khi đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp rất lớn.
"Cơ quan quản lý có cơ sở để lo lắng khi nhiều dòng vốn lớn từ trong nước dịch chuyển ra nước ngoài đầu tư trong thời điểm hiện nay", Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Đại học Mở TP HCM, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận phân tích.
Ông Thuận giải thích, trên thực tế có nhiều dòng vốn từ nước ngoài đổ về Việt Nam không phải để đầu tư mà chỉ để ăn lãi tiết kiệm bằng hình thức cho người trong nước đứng tên. Ngược lại, cũng không loại trừ có dòng ngoại tệ từ trong nước âm thầm chuyển ra nước ngoài. Ngay cả nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam cũng từng bị đánh dấu hỏi về việc lỗ giả lời thật và có hiện tượng chuyển giá. Điều này cho thấy quản lý đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế và là thách thức đối với cơ quan chức năng tại Việt Nam.
Theo ông Thuận, mặc dù các nước sở tại cũng có biện pháp quản lý các dự án nước ngoài nhưng để kiểm soát được lại là câu chuyện khôn cùng và khó lường. Nỗi lo chảy máu dòng vốn là trăn trở tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam chưa ổn định. Những khó khăn trong thời gian qua phần nào đã khiến cho không ít dòng vốn đổ ra nước ngoài bằng con đường không chính thức. Nghịch lý đang diễn ra là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước lại đang đói vốn.
Ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam đem chuông đi đánh xứ người, ông Thuận cho rằng bỏ tiền vào đâu là quyền của doanh nghiệp và không thể cấm đoán nếu nhu cầu này đang tồn tại và tăng cao. "Vấn đề nằm ở cách quản lý. Nếu doanh nghiệp đầu tư thật và chuyển tiền ngược về nước thì không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đầu tư sang một nước thứ nhất rồi mua bán sang nước thứ hai, thứ ba trong quá trình này khai báo lỗ lãi rất khó kiểm soát", ông nói.
Trung tâm nhiệt điện của HAGL đầu tư tại Lào. Ảnh: An Huy. |
Vì vậy, theo ông Thuận, Ngân hàng Nhà nước nên siết chặt việc kiểm tra, đánh giá, thẩm định kỹ các dự án ở nước ngoài và doanh nghiệp trong quá trình cấp phép đầu tư. Theo đó, cần rà soát doanh nghiệp đã hoạt động như thế nào tại thị trường trong nước, lỗ lãi, hoạt động ngành nghề thâm niên tối thiểu 5-10 năm, tại sao lại đầu tư ra nước ngoài. Thị trường trong nước đã khai thác hết chưa, khả năng tài chính như thế nào... Những ràng buộc này nhằm đảm bảo việc đầu tư là đúng thực chất và khả thi, tránh các hệ lụy về sau.
Các doanh nghiệp Việt Nam lại bảo vệ quan điểm phải vươn ra sân chơi quốc tế để tìm cơ hội "hóa rồng". Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức nói: “Nếu năm 2007 tôi không mạnh tay đầu tư sang Lào, sau đó là Campuchia hay mới đây là Myanmar thì bây giờ chỉ còn biết ngồi bó gối vì kinh tế trong nước đang vô cùng khó khăn, đặc biệt bất động sản đóng băng triền miên”.
Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam cho hay, hiện nay sở dĩ các quỹ đầu tư quốc tế vẫn mạnh tay đổ tiền vào HAGL vì bị hấp dẫn bởi các dự án cao su, mía đường và bất động sản tập đoàn đang đầu tư ở nước ngoài. Quan điểm của ông Đức, khi sân nhà đã chật chội so với tầm vóc của doanh nghiệp, không thể đá đấm gì được nữa thì các tập đoàn phải vươn mình ra khu vực và thế giới để chinh phục, tìm kiếm cơ hội mới.
Theo ông Đức, các ý kiến lo ngại những dự án đầu tư ra nước ngoài làm chảy máu ngoại tệ chỉ là cái nhìn cục bộ. Bởi lẽ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch đầu tư quản việc này rất chặt từ khâu cấp phép đến thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài và thậm chí có quyền thanh kiểm tra bất cứ lúc nào. Nguyên tắc đầu tư ra nước ngoài là tất cả các báo cáo tài chính đều quy về công ty mẹ tại Việt Nam.
Chủ tịch HAGL nhận xét, đầu tư ra nước ngoài từ lâu đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, được xem như vấn đề sống còn của nhiều tập đoàn quốc tế hùng mạnh tuy nhiên chỉ mới manh nha tại Việt Nam 5-7 năm trở lại đây. "Nếu đến lúc này Việt Nam vẫn còn nghi ngại khi cấp phép các dự án đầu tư ra nước ngoài thì cả quốc gia và doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt thòi rất lớn", ông Đức nhận định.
Một đại diện của Viettel nhấn mạnh: “Đầu tư ra nước ngoài nhằm đảm bảo chiến lược phát triển lâu dài của tập đoàn. Sân chơi lớn tạo ra lợi thế về quy mô. Viettel sẽ có nhiều khách hàng hơn, chi phí tối ưu hơn, có thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm mà tập đoàn sản xuất".
Theo vị này, ra biển lớn doanhh nghiệp còn rèn luyện được bộ máy, con người thông qua việc cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thế giới như Vodafone, Orange, Telefonica. Hơn nữa, đầu tư ra nước ngoài làm tăng giá trị thương hiệu của Viettel. Ngay khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài, giá trị thương hiệu Viettel đã lập tức được gia tăng.
Phụ trách mảng đầu tư nước ngoài C.T Group, ông Nguyễn Văn Hoàng ví von đầu tư ra nước ngoài như đào ao ra biển lớn. Nếu lo ngại nước trong ao chảy hết ra biển rồi bế quan tỏa cảng thì không thể nào có ngày nước từ biển ồ ạt đổ vào ao. Thị trường quốc tế như đại dương to lớn không thể tưởng tượng nổi và có sức hấp dẫn mạnh đến độ các nhà đầu tư không thể ngoảnh mặt chối từ. Đó là lý do khiến doanh nghiệp đua nhau tìm cơ hội ở nước ngoài.
Theo ông Hoàng, Việt Nam có nhiều sản phẩm tốt nhưng còn kém ở khâu marketing cho sản phẩm. Ví dụ, gỗ và ngành may mặc tuy có nhiều thế mạnh nhưng phần lớn chỉ gia công cho nước ngoài hoặc cạnh tranh ở phân khúc thấp và thu về lợi nhuận khiêm tốn. Vì vậy vươn ra thị trường bên ngoài là cơ hội để Việt Nam học hỏi bạn bè thế giới và phát huy thế mạnh.
Bình luận về việc cơ quan chức năng lo ngại dòng vốn chảy ra nước ngoài đi dễ nhưng khó về, ông Hoàng nhận xét, việc thất thoát ngoại tệ chỉ là tầm nhìn ngắn hạn và có thể khắc phục được bằng biện pháp quản lý. Nếu xét chiến lược lâu dài, đầu tư ra nước ngoài đúng hướng sẽ thu về nguồn lợi rất lớn cho quốc gia.
Khác biệt về văn hóa đôi khi có thể khiến suất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt trở thành canh bạc. Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm sao chia sẻ, công ty đưa vào hoạt động nhà máy phân bón 80 triệu USD tại Campuchia nhưng nông dân nước này mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa và lại không dùng phân bón vì cho rằng hóa chất sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, Tập đoàn Năm sao kết hợp với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của hai nước nghiên cứu thổ nhưỡng và hướng dẫn người dân sử dụng phân bón. "Khi giúp tăng vụ, tăng thu nhập, lúc đó chúng tôi mới tạo được tín nhiệm và tạo lòng tin để mọi người sử dụng sản phẩm", ông nói. Tiến sĩ Klaus Philipp Seif, Giám đốc chuyên trách các vấn đề về pháp luật, văn hóa kinh doanh của Tập đoàn BASF (Đức) cho rằng, một doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài thường bị vướng về mặt văn hóa. Bởi theo ông, những khác biệt về văn hóa thường tạo ra hệ lụy tiêu cực trong kinh doanh như ngăn cản giao dịch; hiểu lầm hoặc không rõ trong vận hành, tác nghiệp; tạo ra những kỳ vọng khác nhau về kết quả kinh doanh... Do đó, khi muốn đầu tư vào một nước nào đó, doanh nghiệp phải nắm thật rõ về văn hóa nước đó. Luật sư Pasdraig Johannes Seif, Cố vấn pháp luật tại nhiều công ty lớn của Sigapore lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào một nước nào đó phải tìm hiểu rõ về pháp luật nước sở tại. Chẳng hạn, ở Singapore, muốn thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài phải có địa chỉ đăng ký, có một thành viên trong ban lãnh đạo là người Singapore, còn vốn pháp định chỉ cần 1 USD là có thể hợp lệ. |
Theo Vũ Hàn Thanh
VnExpress