Đây là vùng giáp ranh giữa huyện Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng) nên trách nhiệm thuộc về ai vẫn đang là dấu chấm hỏi.
Bạt ngàn gỗ lậu
Liên quan vụ 14,3 m3 gỗ kiền kiền, gõ… thuộc các nhóm quý hiếm vừa được phát hiện ngay trong lòng rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, hôm qua, ông Đặng Phương Trung - Hạt trưởng Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho hay, sau khi lập đoàn liên ngành đi truy quét, có cả công an, lực lượng cơ động của Chi cục Kiểm lâm thành phố tăng cường, phát hiện thêm nhiều điểm cất giấu gỗ lậu rải rác trong rừng. Đa số là gỗ thuộc loại quý hiếm, nhóm 1 và 2.
Cụ thể, liên tiếp truy quét, phát hiện thêm hơn 200 tấm gỗ, số lượng khoảng hơn 10m3. Đa số gỗ lậu được cất giấu tại các điểm ở khoảnh 4, tiểu khu 37. Ngoài ra, lực lượng của Quảng Nam phát hiện thêm 5 điểm cất giấu với gần 10m3.
Như vậy, sau 14,3m3 gỗ lậu bị phát hiện ban đầu, đến nay đã có thêm 20m3 gỗ lậu nữa được đưa ra ánh sáng. Hiện kiểm lâm đang khẩn trương đưa các loại gỗ này ra khỏi rừng, tập trung tại dốc Kiền để lập hồ sơ, nhanh chóng phối hợp cùng công an điều tra làm rõ.
“Lực lượng của Hạt trên 10 anh em, cùng với hơn 30 người của Chi cục, truy quét dài ngày” - ông Trung cho biết. Ông Trần Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết thêm, số gỗ lậu nhiều đến mức chất thành từng đống ở ngay tại trạm kiểm lâm dốc Kiền.
Cách đây vài tháng, PV Tiền Phong trong vai đột nhập truy quét vàng tặc tại vùng rừng giáp ranh giữa xã Tư (Đông Giang) với rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa từng phát hiện gỗ rải rác trên đường vào rừng. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề, hầu như các lực lượng kiểm lâm và lãnh đạo chính quyền đều cho rằng, ngoài vàng tặc gần như đã rút hết thì lâm tặc cơ bản là... không có.
Hơn 100 đợt kiểm tra, không phát hiện bất thường
Nói về trách nhiệm, ông Trần Văn Lương cho rằng, về luật mà nói, BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa được xem như là chủ rừng, bởi thế, xảy ra chuyện tất nhiên trách nhiệm thuộc chủ rừng.
“Mặc dù vậy, kiểm lâm chắc chắn cũng phải có trách nhiệm trong đó. Ở đây chúng tôi giao Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng thực thi pháp luật, tất nhiên hạt phải có trách nhiệm” - ông Lương nói.
Tháng 5/2014, trên đường thâm nhập vào rừng giáp ranh giữa xã Tư với rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, PV Tiền Phong đã thấy những thớt gỗ trên đường chờ đưa ra khỏi rừng như thế này
Ông Lương cũng cho rằng, vùng ranh giới giữa Đà Nẵng và Quảng Nam trong rừng đặc dụng là rất mù mờ, muốn xác định rõ phải đưa tọa độ, bản đồ… ra soi chiếu. Có như thế mới quy được trách nhiệm địa phương một cách rõ ràng hơn.
Một lãnh đạo BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (xin giấu tên) cho hay, trên thực tế, lâm tặc gần như “cơ bản phá xong rừng” ở các vùng xã Ba, xã Tư và hiện chuyển qua địa phận Đà Nẵng.
“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi tổ chức hơn 100 cuộc kiểm tra truy quét, không phát hiện điều gì bất thường. Nói chung là ổn. Cái này chắc mới chỉ xảy ra 1-2 tháng đây thôi. Lực lượng BQL quá mỏng, 5 người quản lý 27km đường giáp ranh, mà lại đường rừng. Mấy cái chỗ phát hiện gỗ lậu, rồi phá rừng đó toàn hiểm trở, đồi dốc dựng đứng. Anh em chủ quan không nghĩ rằng lâm tặc có thể tiến nhanh tới rừng đặc dụng như thế” - vị lãnh đạo này nói.
Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa có diện tích khoảng 28 ngàn hécta, đa phần là rừng nguyên sinh với rất nhiều loại gỗ quý cũng như lâm sản, muông thú. Đây cũng chính là nơi có đỉnh Bà Nà quanh năm sương lạnh, điểm du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Lương cho biết, sẽ phải quyết liệt hơn nữa để dứt điểm, đẩy lâm tặc ra khỏi khu rừng này, nếu không rừng nguyên sinh sẽ bị nguy hại.