Căng thẳng vì tranh chấp trên Biển Đông

Tàu chiến Philippines đối đầu tàu hải giám và thuyền cá Trung Quốc tại vùng nước nông Scarborough Ảnh: news.malaysia
Tàu chiến Philippines đối đầu tàu hải giám và thuyền cá Trung Quốc tại vùng nước nông Scarborough Ảnh: news.malaysia
TP - Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18-4 triệu lên một nhà ngoại giao Philippines lần thứ hai trong 3 ngày liên tiếp để nghe phía Bắc Kinh phản đối việc tuyên bố chủ quyền của Manila đối với khu vực nước nông quanh Scarborough ở Biển Đông mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền.

> Mỹ, Philippines bắt đầu cuộc tập trận 2 tuần

Sự kiện này chứng tỏ cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về vụ đụng chạm tàu thuyền tại vùng biển gần đảo Scarborough đã bước sang tuần thứ hai nhưng chưa có dấu hiệu sắp chấm dứt.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin nói tại một cuộc gặp gỡ báo chí rằng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Fu Ying đã triệu tập khẩn cấp Đại biện Lâm thời Alex Chua của Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh lên Bộ để phản đối.

Người phát ngôn Liu cho rằng, các tàu hải quân Philippines đã sách nhiễu ngư dân Trung Quốc và tàu cá của họ khiến Trung Quốc phải chú ý theo dõi chặt chẽ.

Người phát ngôn bày tỏ hy vọng từ phía Trung Quốc rằng phía Philippines sẽ tôn trọng sự cam kết của họ và rút các tàu của mình ra khỏi vùng nước nói trên ngay lập tức để vùng nước gần đảo Scarborough trở lại tình trạng hòa bình và ổn định.

Hòn đảo ở vùng biển nước nông Scarborough phía Manila gọi là vùng nước nông Panatag, còn phía Bắc Kinh gọi là Huangyan, cách đảo chính Luzon của Philippines 124 hải lý, gần căn cứ hải quân Vịnh Subic của Philippines.

Sự kiện tàu hải quân Philippines áp sát các tàu cá Trung Quốc và lên kiểm tra xảy ra tại vùng biển mà Manila cho là tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Phía Trung Quốc đã phái hai tàu hải giám ra để đối đầu, thả neo đỗ ngăn cách tàu hải quân Philippines với các tàu cá Trung Quốc.

Do không thể giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền trên biển, Philippines đề nghị Trung Quốc đưa vụ tranh chấp này ra tòa án quốc tế xử theo Công ước về Luật biển 1982 nhưng phía Trung Quốc không trả lời.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh đã phát hiện ra đảo này trước và đặt tên là đảo Huangyan sau đó liệt kê vào lãnh thổ Trung Quốc.

Phía Bắc Kinh chỉ đòi phía Manila rút các tàu của Philippines ra khỏi vùng nước nông nói trên.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 18-4 nói rằng việc Trung Quốc tự mình tuyên bố chủ quyền kể cả tuyên bố có trong lịch sử cũng không thể được coi là cơ sở để chiếm một vùng lãnh thổ nào.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho biết hồi tuần trước ông đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Ma Keqing lên để phản đối vụ xích mích nói trên.

Hai bên đạt được thỏa thuận sẽ giải quyết cuộc tranh chấp này bằng con đường ngoại giao nhưng cả hai đều khăng khăng đòi quyền sở hữu đối với vùng nước nông Scarborough.

Philippines lo ngại về sự gây hấn của Trung Quốc nên đã quay sang nhờ Mỹ giúp quân đội vốn được trang bị nghèo nàn nhằm tăng cường năng lực bảo vệ hàng hải. Mỹ hứa sẽ cung cấp cho Manila chiếc tàu chiến thứ hai, dự kiến trong năm nay.

Vụ căng thẳng nói trên diễn ra khi Philippines và Mỹ tập trận hải quân với tình huống liên quân hai nước có nhiệm vụ tấn công nhằm thu hồi một giàn khoan dầu khí của Manila bị bọn khủng bố trước đó tấn công chiếm giữ.

Đ.P
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG