Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko. (Ảnh: Reuters) |
Cuộc xung đột kéo dài hai năm rưỡi ở Ukraine đang bước vào giai đoạn mà Mátxcơva cho là then chốt, khi lực lượng Nga tiến quân nhanh chóng và Mỹ cân nhắc việc cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/9 cho biết, việc Mỹ chấp nhận yêu cầu của Ukraine sẽ đồng nghĩa với "sự tham gia trực tiếp của các nước NATO, Mỹ và châu Âu vào cuộc xung đột ở Ukraine".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko, phụ trách quan hệ với châu Âu và NATO, ngày 8/10 nói rằng Mátxcơva nhận thấy rằng NATO đang gia tăng vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược của mình.
Theo ông Grushko, Nga đang cập nhật học thuyết hạt nhân nhằm gửi đi một tín hiệu để "đối thủ của chúng ta không hiểu sai về sự sẵn sàng của Nga trong việc đảm bảo an ninh nhà nước bằng mọi phương tiện sẵn có".
Đường dây nóng giữa lãnh đạo Nga - Mỹ được thành lập hồi năm 1963 để giảm bớt những sự cố có thể làm bùng phát xung đột, giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Đường dây nóng từng được sử dụng trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, và sau cuộc tấn công Iraq của Mỹ năm 2003.
Ngoài đường dây nóng của các lãnh đạo, còn có đường dây nóng hạt nhân giữa Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Nga - được thành lập trong Chiến tranh Lạnh - để giảm nguy cơ xung đột hạt nhân.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2/2022, một đường dây "giảm xung đột" bổ sung đã được thiết lập giữa quân đội Nga và Mỹ để ngăn chặn xung đột leo thang thành chiến tranh Nga - Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov đã liên lạc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 7 khi Mátxcơva nghi ngờ Ukraine có âm mưu tấn công Nga.
Tờ New York Times đưa tin, Bộ trưởng Austin đã nhận được cuộc gọi từ ông Belousov vào ngày 12/7 về một hoạt động bí mật của Ukraine mà Nga tin rằng đã được Mỹ chấp thuận.
Ngoài ra còn có đường dây nóng Nga - NATO, được thành lập vào năm 2013, để giảm thiểu hiểu lầm trong các tình huống khủng hoảng.