Thống kê cho thấy, ung thư đường tiêu hoá (ung thư đại tràng, dạ dày, …) là loại ung thư phổ biến và gây tử vong nhiều nhất. Tuy nhiên, ung thư đường tiêu hoá có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và có phương pháp can thiệp chính xác, kịp thời.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thanh Long - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Đức - Giảng viên kiêm nhiệm Bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội, điều trị ung thư là điều trị phối hợp nhiều phương pháp: hóa trị, xạ trị, phẫu thuật... Trong đó khi điều trị ung thư đường tiêu hóa, phẫu thuật chiếm vai trò chủ đạo và là lựa chọn hàng đầu.
Kết quả điều trị bằng phẫu thuật phụ thuộc nhiều yếu tố như phẫu thuật phải đảm bảo triệt căn, được phát hiện xử trí sớm, thể trạng bệnh nhân, các bệnh lý phối hợp... như vậy thông tin nếu sử dụng dao kéo trong điều trị ung thư khiến dễ di căn hơn là không đúng. Phát hiện và được điều trị hoặc phẫu thuật sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh hoặc nâng cao chất lượng sống, kéo dài sự sống cho người bệnh.
Theo nghiên cứu, đa số bệnh nhân ung thư đến bệnh viện thì đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3) thậm chí 4, ung thư phát hiện ở giai đoạn 1 (ung thư ở trên bề mặt niêm mạc) chưa có di căn hạch thì rất thấp 4-5%, đó là điều rất đáng tiếc.