Để giảm thiệt hại do tham nhũng, thất thoát tài sản

Cần xử nhanh cán bộ vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong 6 tháng đầu năm 2021, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt T.Ư đã ban hành và thống nhất nhiều cơ chế mới để bảo đảm việc xử lý đồng bộ, kịp thời, nhất là những vụ việc liên quan cán bộ diện T.Ư quản lý.

Trước đây có thời điểm chúng ta phải chờ kết luận điều tra, thanh tra, kiểm toán rồi mới xử lý, dẫn đến tài sản bị tẩu tán, ảnh hưởng đến công việc ở cơ quan và địa phương.

Duy trì xu thế “không dừng”, “không nghỉ”

Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song trong 6 tháng đầu năm 2021 công tác phòng, chống tham nhũng vẫn diễn ra quyết liệt, ông đánh giá thế nào về kết quả trên?

Nhìn vào kết quả mà Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng công bố vừa qua cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng sau Đại hội XIII của Đảng vẫn tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”. Trong 6 tháng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Tất cả các con số này đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cũng đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 1 tổ chức đảng trực thuộc T.Ư, 7 cán bộ diện T.Ư quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp nhà nước có sai phạm. Điều đáng tích cực nữa là có sự chuyển động tích cực từ trên xuống dưới, không còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Việc phòng, chống tham nhũng trong nội bộ cũng tích cực hơn, phát hiện nhiều vụ việc…

Không chỉ xử lý, trong 6 tháng qua, các cơ quan chức năng cũng đã kê biên, phong tỏa và thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế, ông đánh giá sao về kết quả này?

Đây là tín hiệu rất tích cực. Phòng, chống tham nhũng ngoài việc xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm thì điều quan trọng nhất là phải thu hồi được tài sản. Nếu chỉ tập trung vào kỷ luật, xử lý, mà không thu hồi được tài sản thì hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng cũng rất hạn chế. Điều này cũng sẽ dẫn đến tình trạng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Theo đó, các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản, ngăn chặn giao dịch theo thống kê không chỉ là 1.995 tỷ đồng mà là 14.413 tỷ đồng.

“Với các dự án, việc chậm xử lý cũng khiến cho dự án bị đình trệ, gây thiệt hại và lãng phí lớn”.

Cần xử nhanh cán bộ vi phạm ảnh 1
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra T.Ư

Đây là nét rất mới so với trước đây, khi việc thu hồi tài sản tham nhũng thường chỉ tập trung vào bản án có hiệu lực pháp luật mà thiếu sự phối hợp, quyết liệt ở các biện pháp phòng ngừa tiền tố tụng, trong tố tụng. Tất nhiên so với yêu cầu đề ra vẫn còn hạn chế cần phải nghiên cứu để có giải pháp tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản, tham nhũng.

Phát hiện đến đâu, xử lý đến đấy

Việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế và những cán bộ có liên quan lần này diễn ra nhanh hơn, vì sao, thưa ông?

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thay đổi rất nhiều quy trình xử lý. Theo đó, cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án nếu phát hiện tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật. Tương tự, bất cứ khi nào phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, cơ quan chức năng cũng chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các cơ quan chức năng xem xét, chứ không đợi cho đến khi kết thúc. Việc gửi ngay thông tin về hành vi vi phạm cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư giúp cơ quan này xem xét ngay quy trình xử lý cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý.

Trước đây, để xử lý được những cán bộ này, chúng ta thường phải đợi kết luận thanh tra, kiểm toán, điều tra. Điều đó không bảo đảm được tính kịp thời, bởi có những vụ việc phức tạp phải điều tra hàng mấy năm mới ra được kết luận. Trong thời gian đó, người vi phạm đã kịp thời tẩu tán hết tài sản rồi, chẳng còn gì để mà thu hồi. Chưa kể việc chậm trễ xem xét giải quyết sẽ khiến cho công việc ở cơ quan đó bị ảnh hưởng. Với các dự án, việc chậm xử lý cũng khiến cho dự án bị đình trệ, gây thiệt hại và lãng phí lớn. Đổi mới như hiện nay sẽ khiến công tác phòng, chống tham nhũng, hiệu quả hơn và giảm được những thiệt hại do tham nhũng gây ra.

Tại cuộc họp vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư cũng thống nhất việc bổ sung thêm chức năng chống tiêu cực, ông đánh giá sao về việc này?

Điều này là cần thiết. Vì tham nhũng và tiêu cực liên quan đến nhau. Tiêu cực có phạm vi rất rộng, cho nên cần làm rõ tiêu chí. Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, nên tập trung vào các hành vi tiêu cực như cơ hội về chính trị, chạy chức, chạy quyền. Bởi những vấn đề liên quan rất lớn đến công tác cán bộ. Nếu để những kẻ cơ hội, chạy chức, chạy quyền leo cao, chui sâu vào bộ máy thì rất nguy hại. Vì thế, những hành vi này cần phải cương quyết chống.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG