Những con số nhói lòng
Sáu tháng đầu năm 2020, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tiếp nhận 407 cuộc gọi đề nghị hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em. Trong đó, có 16 cuộc gọi cung cấp, báo tin về việc trẻ em bị mua bán; 27 ca trẻ em bị bóc lột; 109 ca xâm hại tình dục trẻ em và 195 ca trẻ em bị bạo lực. Cùng với số liệu thống kê trên, thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ trẻ em bị cha mẹ và người thân bạo hành, thậm chí có trường hợp tử vong khiến dư luận xã hội bức xúc.
Điển hình, cuối tháng 5/2020, cư dân mạng đã hết sức bất bình khi xem đoạn clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh người đàn ông đuổi đánh một bé gái từ trong nhà ra ngoài sân. Sau khi tóm được cháu nhỏ, người đàn ông này đã dùng dây trói tay bé vào cột, rồi dùng cành cây vụt liên tiếp mặc cho cháu khóc lóc van xin.
Sau khi vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng làm rõ bé gái là D.T.N (6 tuổi), còn người đàn ông trong clip là bố đẻ của cháu. Ngày hôm đó, cháu N trót dại bốc một nắm gạo đổ ra cát để chơi đồ hàng. Thay vì giáo dục bảo ban, bố của N đã trút trận mưa roi xuống người bé gái.
Một trường hợp khác, bé C.M.K (SN 2019) đã bị chính bố đẻ là Châu Minh Tiến (SN 1996, trú phường Long Phước) bạo hành dẫn đến đa chấn thương, gãy xương đùi, xuất huyết não vào hồi tháng 2 vừa qua, khi cháu mới được 4 tháng tuổi. Nguyên nhân chỉ vì Tiến và vợ có mâu thuẫn nên đối tượng đã nhẫn tâm trút bực tức lên con gái mình.
Người xưa có câu “hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991, trú Đống Đa, Hà Nội) và chồng “hờ” là Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989, trú Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đang tâm hành hạ, đánh đập con gái mới 3 tuổi của mình nhiều giờ đồng hồ, khiến cháu bé tử vong chỉ vì cháu đòi ăn bánh gạo.
Hành vi của cặp vợ chồng này khiến dư luận cực lực lên án bởi đó là tột cùng của sự độc ác. Không chỉ thay nhau đánh bé M, Lan Anh và Tuấn còn bắt bé gái quỳ trong suốt 24 giờ đồng hồ, bắt nhịn ăn và không cho ngủ cho đến khi kiệt sức. Cháu M được đưa đi cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não, chảy máu não, gãy răng, đùi tụ máu…
Xâm hại tình dục
Ngoài việc bị bạo hành thân thể, trẻ em còn đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục bởi lối sống lệch lạc của người lớn. Đau lòng hơn, đã có trường hợp trẻ trở thành nạn nhân của những “con quỷ” đội lốt bạn bè, người quen, hàng xóm láng giềng. Hậu quả của việc bị xâm hại khiến cho trẻ mang nỗi đau và ám ảnh kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống…
Mới đây dư luận đặc biệt quan tâm vụ án bé gái Đ.T.K.H (13 tuổi, quê xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bị sát hại, hiếp dâm sau đó phi tang thi thể trong rừng. Hung thủ sau đó được làm rõ là Phạm Kim Phê (18 tuổi) - cùng huyện với nạn nhân.
Tương tự, đầu tháng 7/2020, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố Trần Đình Bình (52 tuổi, trú tại xã Lam Sơn, huyện Đô Lương) về hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”, nạn nhân là cháu N.T.T (10 tuổi), hàng xóm với Bình.
Do có hoàn cảnh khó khăn, hằng ngày T phải giúp bố đi chăn bò. Lợi dụng những thời điểm bé gái chỉ có một mình, Bình đã nhiều lần giở trò đồi bại với nạn nhân. Sau khi thỏa mãn thú tính, Bình đưa cho bé gái mỗi lần vài nghìn đồng và yêu cầu cháu không được kể chuyện này với ai...
Trao đổi với phóng viên, thạc sỹ tâm lý Đinh Đoàn, Cty Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng cho rằng, hậu quả của việc bị bạo hành, xâm hại không chỉ là thương tích thân thể, mang thai ngoài ý muốn… mà nó còn gây ảnh hưởng tới tâm lý, tinh thần của các em về sau.
“Có bạn gái mỗi khi có tiền thì một mình mang ba lô đi du lịch, không thấy yêu đương mặc dù đã chạm 30 tuổi. Gia đình lo lắng, cho người theo dõi vì họ nghi ngờ cô gái này bị “lãnh cảm” hoặc “đồng tính nữ”. Nhưng khi gia đình “áp tải” đến tư vấn, trò chuyện cô gái mới “vén màn bí mật” từng bị xâm hại tình dục nhiều lần khi còn bé, nên cứ nhìn thấy đàn ông là bạn gái này thấy ghê sợ, thấy hình ảnh một “con quỷ” hiện về...” - ông Đoàn chia sẻ.
Không thể cứ xử lý mãi phần ngọn
Hiện nay, các quy định về bảo vệ trẻ em đã rất đầy đủ, song tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng hơn về mức độ và số lượng vụ việc. Phân tích những tồn tại trong việc xử lý, ngăn ngừa các hành vi xâm hại trẻ em, luật sư Trần Tuấn Anh- Cty Luật Minh Bạch cho rằng, một số gia đình hiện nay vẫn giữ quan điểm “yêu cho roi cho vọt” và họ xem việc dạy con cái bằng đòn roi là việc của gia đình nên khó xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ở nhà bởi không có người tố cáo.
“Mặt khác, ở một số nơi vẫn tồn tại tình trạng hòa giải, thỏa thuận giữa các gia đình hay chính người trong gia đình dẫn đến việc giải quyết gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hành vi xâm hại tình dục trẻ em thường không được xử lý một cách thích đáng. Sự việc chỉ vỡ lở khi nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân tố cáo trước cơ quan chức năng” - luật sư Tuấn Anh nói.
Nêu quan điểm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng, “Cha, mẹ bạo hành con cái mà không ai đứng ra tố cáo thì đầu tiên phải tước bỏ hoặc tước bỏ tạm thời quyền làm cha mẹ để có biện pháp xử lý. Ngoài việc tăng nặng hình thức xử lý, đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em như vụ việc bé gái 13 tuổi bị hiếp dâm, sát hại ở Phú Yên vừa qua đề nghị được áp dụng phương pháp thiến hóa học để răn đe làm gương. Ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em, phải xử lý phần gốc vấn đề chứ không thể cứ đi xử lý phần ngọn mãi” - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.
“Có bạn gái mỗi khi có tiền thì một mình mang ba lô đi du lịch, không thấy yêu đương mặc dù đã chạm 30 tuổi. Gia đình lo lắng, cho người theo dõi vì họ nghi ngờ cô gái này bị “lãnh cảm” hoặc “đồng tính nữ”. Nhưng khi gia đình “áp tải” đến tư vấn, trò chuyện cô gái mới “vén màn bí mật” từng bị xâm hại tình dục nhiều lần khi còn bé, nên cứ nhìn thấy đàn ông là cô này thấy ghê sợ, thấy hình ảnh một “con quỷ” hiện về...”.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn