> Xả cạn hồ thủy điện Sông Tranh 2 để xử lý thấm
Vì sao ông đề nghị thuê tư vấn nước ngoài giám sát sửa chữa đập?
Chúng ta có không ít chuyên gia giỏi về đập và thủy điện. Tuy nhiên, đập bê tông đầm lăn là công nghệ mới ở Việt Nam (VN) từ dăm bảy năm nay. Sông Tranh 2 là đập đầu tiên gặp sự cố rò nước. Ta chưa có bài học nào trước đó của bản thân để rút kinh nghiệm.
Trong hoàn cảnh hiện nay, cần tư vấn nước ngoài để giám sát độc lập. Chỉ họ mới đủ kiến thức, bề dày kinh nghiệm, và tạo niềm tin để đảm bảo không phải sửa lại lần thứ hai, vì sinh mạng của hàng vạn người ở hạ lưu.
Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ có thể vận hành từ tháng 11-2011 sau khi các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm thẩm định và thông qua. Các chuyên gia ấy đều thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Kiểm định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng, và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước. Liệu có đủ niềm tin và đảm bảo khách quan khi vẫn các đơn vị đó vào giám sát khắc phục cái mà họ đã thẩm định và thông qua?
Ông Ngãi tin rằng, hiện tượng nước chảy ra ở ba vị trí hạ lưu đập là từ khe nhiệt, chứ không phải khe nứt như nhiều người nghĩ. |
Một trong những vấn đề đầu tiên là giám sát. Giám sát thường có ba loại gồm giám sát tư vấn thiết kế, giám sát của nhà thầu nhằm đảm bảo thi công đúng bản vẽ, và giám sát độc lập. Chúng ta đã thiếu khâu giám sát độc lập, khiến sai sót không được kịp thời phát hiện và khắc phục.
Sai sót cả ở chủ đầu tư, tư vấn thiết kế giám sát, và cả ở các nhà thầu thi công. Họ làm ẩu. Các nhà thầu thi công không xử lý đường ống rãnh nhiệt theo đúng thiết kế, khiến nước thâm nhập nhiều vùng, rãnh nhiệt trở nên to hơn, lớn hơn; nước ồ ạt chảy xuống khi mực nước trong hồ dâng cao.
Quá trình này lại không được giám sát kỹ. Khắc phục sự cố lại thô sơ. Nhét giẻ vào các vết rò rỉ là cách làm vớ vẩn nhất mà tôi từng thấy. Xử lý như thế, vết rò rỉ sẽ loét rộng hơn, sức nước lớn hơn và bào mòn bê tông nhanh hơn.
Theo ông, có cần quy trách nhiệm cá nhân?
Các bên liên quan, từ chủ đầu tư đến đơn vị thi công, hãy khoan đổ lỗi cho nhau. Cần phối hợp để xử lý sự cố trước mắt. Sau đó phải quy trách nhiệm cụ thể. Các vấn đề có thể và cần làm rõ là quá trình tổ chức thi công có tổ chức nghiệm thu từng hạng mục và từng giai đoạn không.
Có giám sát từ khi mở móng đến lúc đắp đập bê tông trọng lực, lúc đầm lăn, làm các khe nhiệt, lỗ thoát khe nhiệt và hành lang tiêu nước của khe nhiệt không? Đáng lẽ trong quá trình thi công, phải làm từng giai đoạn và nghiệm thu phải có biên bản.
Ông có đề xuất gì cho khâu sửa chữa không?
Với những đập không chịu lực thì, để khắc phục, sẽ phụt một loại keo hóa chất đặc biệt chứ không phụt xi măng, cụ thể là hóa chất polyurethane.
Phụt vào thân đập, hóa chất này gặp nước sẽ trương nở như cao su, bít kín các lỗ hổng. Còn với những đập chịu lực như đập thủy điện Sơn La, sẽ phun hoá chất epoxy để làm đông cứng.
Tại Sông Tranh 2, cần khoan thủng lỗ thoát nước của rãnh nhiệt xuống hành lang của đáy đập để tháo nước ra hạ lưu.
Cảm ơn ông.
Hoàn thành chống thấm đập Sông Tranh 2 trước 31-7 Tại cuộc giao ban báo chí tháng 4, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng cho biết, sau khi Thứ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra thực tế tại hiện trường và làm việc với địa phương, các phương án xử lý chống thấm ở thủy điện Sông Tranh 2 đã được tiến hành. Đến nay cơ bản lượng nước thấm ngoài hạ lưu đã được thu gom vào trong hành lang. Các giải pháp kỹ thuật và các vấn đề về tư vấn trong tuần này sẽ được cơ quan tư vấn trình EVN phê duyệt. Tất cả các giải pháp khắc phục sự cố ở Sông Tranh 2 sẽ phải xong trước mùa lũ và trước 31-7. |
Quốc Dũng (thực hiện)