Cần thời gian để coi COVID-19 là 'bệnh đặc hữu'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 là đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến chủng không lường trước của virus SARS-CoV-2. Tại Việt Nam dịch đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”, cần thêm thời gian để coi COVID-19 là “bệnh đặc hữu”.

Bộ Y tế cho biết, “bệnh lưu hành” được một số chuyên gia gọi là “bệnh đặc hữu”. Đây là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lí hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. “Bệnh lưu hành” có 4 tiêu chí, gồm: có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Cần thời gian để coi COVID-19 là 'bệnh đặc hữu' ảnh 1

Số ca COVID-19 nặng, nguy kịch đang tăng. Ảnh: Thái Hà

Chưa có tính ổn định

Hiện nay, các quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành”. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của WHO, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) để nhận định đối với bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Theo đó, trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố và số trường hợp nhiễm virus này cũng được ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố. Tuy vậy, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”. Tỉ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỉ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Bộ Y tế đặc biệt lưu ý, số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong hàng đầu trước đây như sởi, dại, sốt xuất huyết (trung bình 7 ngày qua là 96 ca COVID-19 tử vong/ngày). Cùng với đó, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Ví dụ như biến chủng Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến chủng này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm. Do đó tỉ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Bộ Y tế khẳng định với những yếu tố trên, hiện Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành” và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch COVID-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành” khi thời điểm thích hợp.

Dự báo còn 1-2 làn sóng dịch

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (ĐH Y dược TPHCM) nhận định: “Tôi cho rằng tình hình dịch hiện tại của Việt Nam chưa thể tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, cần thêm thời gian để đánh giá. Tôi và một số chuyên gia dịch tễ cùng có chung dự báo còn ít nhất một làn sóng dịch nữa với biến chủng Omicron và nếu có biến chủng nào khác nữa thì vẫn có khả năng thêm làn sóng nữa. Sau làn sóng dịch tới thì tình hình dịch tại Việt Nam mới tương đối ổn định”.

Nói về lí do xuất hiện thêm làn sóng dịch do chủng Omicron, PGS.TS Đỗ Văn Dũng phân tích: “Chúng tôi thực hiện mô hình hóa để xem sự lây lan của dịch. Trong dịch tễ khi dịch bệnh tăng lên đến mức nào đó nó sẽ giảm xuống. Nếu giảm xuống vẫn còn người trong cộng đồng chưa mắc thì vẫn còn có người tiếp tục nhiễm, cộng với số người có miễn dịch do tiêm chủng giảm dần theo thời gian sẽ tạo ra những người nhạy cảm tiếp. Khối cảm thụ ngày càng tăng lên tạo nên làn sóng dịch tiếp theo trong thời gian tới”.

Về mức độ miễn dịch cộng đồng tại Việt Nam hiện nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng: “Đến giờ chúng ta vẫn chưa có được hoàn toàn miễn dịch cộng đồng. Để đạt đến mức coi là bệnh đặc hữu thì hầu như toàn bộ người dân phải nhiễm bệnh. Còn hiện tiêm chủng của chúng ta, đặc biệt là với virus SARS-CoV-2 thì miễn dịch rất không bền, cho dù tiêm 2 mũi, 3 mũi vẫn chỉ bền vững trong 3 tháng, sau đó vẫn mắc, dù mắc không nặng. Miễn dịch cộng đồng chỉ tương đối an tâm ở thời điểm hiện tại với một số địa phương nhưng không bền vững do thời gian khiến kháng thể suy giảm, biến thể mới xuất hiện. Ví dụ ổn định với biến chủng Delta nhưng lại xuất hiện biến chủng Omicron nên miễn dịch cộng đồng bị phá vỡ. Nếu trở thành bệnh đặc hữu vẫn khuyến khích người dân tuân thủ 5K. Có điều không thành quy chế, không chế tài những người không thực hiện”.

TS Dũng cho biết thêm, hiện Mỹ chưa coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, mà chỉ coi đó là kế hoạch quốc gia để ổn định cuộc sống. Một số nước ở châu Âu đã coi COVID-19 thành bệnh bình thường vì họ đã tiêm chủng và có hệ thống y tế tốt hơn Việt Nam.

Cần thời gian để coi COVID-19 là 'bệnh đặc hữu' ảnh 2
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).