Cần Thơ đưa giải ngân vốn đầu tư công vào đánh giá kết quả cuối năm

TPO - Đó là một trong những yêu cầu của Chương trình hành động công tác giải ngân vốn đầu tư công do UBND TP Cần Thơ vừa ban hành nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án trọng điểm và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Chương trình đề ra nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các công trình/dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2020 và các công trình/dự án có vốn kéo dài từ năm 2018, 2019 sang năm 2020.

Thực hiện báo cáo tiến độ và giải ngân định kỳ 15 ngày/lần đối với các công trình đang triển khai thi công; 7 ngày/lần đối với các công trình khởi công mới, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu và các công trình có sử dụng vốn ODA, các công trình trọng điểm của thành phố.

Tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án có thu hồi đất, kịp thời mắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để xem xét, giải quyết; kiên quyết xử lý theo quy định đối với những trường hợp cố tình làm khó, gây cản trở trong quá trình thu hồi đất.

Cần Thơ đưa giải ngân vốn đầu tư công vào đánh giá kết quả cuối năm ảnh 1 Một góc quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: CK

Nội dung đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công được đưa vào nội dung đánh giá kết quả thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu, làm cơ sở đánh giá cuối năm.

Các Phó Chủ tịch UBND TP trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các công trình thuộc lĩnh vực phụ trách, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí. Tổ chức kiểm tra và giao ban 1-2 tuần/lần để giám sát tiến độ thực hiện; báo cáo Chủ tịch UBND TP về kết quả thực hiện tại cuộc họp giao ban hàng tuần.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tiến độ và chất lượng của dự án. Thực hiện báo cáo định kỳ (hàng tuần, hàng tháng); rà soát các điều khoản trong hợp đồng, có ràng buộc trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của hai bên, làm cơ sở xử lý vi phạm (nếu có).

Đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng, chậm triển khai thi công thì kiên quyết xử lý, trường hợp cần thiết thì báo cáo đề xuất, trình UBND TP biện pháp chế tài để răn đe (xử phạt, đăng cổng thông tin, cấm tham dự thầu…).

Giám đốc Sở KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT, GTVT, NN&PTNT, Công Thương quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay việc luân chuyển cán bộ, công chức khi cần thiết.

Chủ tịch UBND quận, huyện chỉ đạo chặt chẽ, kiên quyết đối với các đơn vị trực thuộc trong tổ chức thực hiện các dự án sử dụng vốn do quận huyện quản lý, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về kết quả giải ngân vốn của địa phương…

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, Cần Thơ là một trong 6 tỉnh thành vùng ĐBSCL có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước trong 6 tháng đầu năm 2020 (tỷ lệ giải ngân của Cần Thơ chỉ đạt 18,9% trong khi bình quân cả nước là 33,9%). 7 tỉnh còn lại của vùng ĐBSCL có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân cả nước, nổi bật là Tiền Giang khi đạt 77,3%...

MỚI - NÓNG