Cam kết trên được ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TP. Cần Thơ - TP. Thủ Đức (TPHCM) và tỉnh Thanh Hóa, diễn ra chiều 16/8.
Tại hội nghị, lãnh đạo 3 địa phương đã thông tin về các thế mạnh, kế hoạch của địa phương tới khoảng 350 đại biểu, đại diện 220 doanh nghiệp của 3 địa phương tham dự. Qua đó để mời gọi nhà đầu tư, doang nghiệp tới làm ăn, kinh doanh; bàn thảo kế hoạch tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp ở mỗi địa phương với nhau...
Ông Trần Việt Trường đã giới thiệu về các thế mạnh của TP. Cần Thơ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, như vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy liền mạch, kết nối liên thông, tương lai hình thành hệ thống logistics cho cả vùng ĐBSCL. Cùng đó, Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu, đến năm 2030, Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại; trung tâm, đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chù tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường. Ảnh: CK. |
Ông Trường dẫn đánh giá của nhiều nhà đầu tư cho rằng, Cần Thơ có nhiều tiềm năng nhờ vị trí địa lý và hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện. Trung ương đã và đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cần Thơ. Qua đó, tạo sự kết nối giữa Cần Thơ với các tỉnh trong vùng và TPHCM, các vùng ngày khác ngày càng thuận lợi.
“TP. Cần Thơ sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến làm ăn, kinh doanh tại Thành phố”, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cam kết.
Về phía TP. Thủ Đức - TPHCM, Phó Chủ tịch Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết, Thủ Đức là đơn vị hành chính đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình thành phố trong thành phố. Sau 3 thành lập, TP. Thủ Đức đã hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương đặc thù, tăng tốc đầu tư với hàng loạt công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp.
TP. Thủ Đức đang tập trung hình thành và phát triển 11 khu đô thị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, là điều kiện để Thủ Đức thành “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trung tâm xúc tiến đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp của 3 địa phương ký kết ghi nhớ hợp tác. Ảnh: CK. |
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương có vị trí thuận lợi, với đầy đủ loại hình giao thông, từ đường bộ, đường thủy, hàng hải tới đường sắt, hàng không. Đặc biệt, Khu kinh tế Nghi Sơn được Chính phủ chọn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất cả nước. Tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 19 khu công nghiệp ngoài, 115 cụm công nghiệp, có lợi thế về đất đai, nhân lực.
Bên lề hội nghị còn có không gian triển lãm, với 70 gian trưng bày các sản phẩm, ngành hàng do doanh nghiệp tại 3 địa phương sản xuất, kinh doanh. Hoạt động nhằm giới thiệu, hỗ trợ kết nối các đơn vị thu mua, nhà phân phối của 3 địa phương để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, mở rộng thị trường.
Tại sự kiện này, Trung tâm xúc tiến đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân 3 địa phương đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa giữa các đơn vị.