Cẩn thận con bạn có thể tàn phế, tử vong vì mắc viêm não mô cầu

Điều trị cho bệnh nhi tại BV. Ảnh minh hoạ: Internet
Điều trị cho bệnh nhi tại BV. Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Bệnh nhi là L.T.N.Q, 2 tuổi ở Châu Thành, Tiền Giang, nhập viện ngày 3/6 với triệu chứng sốt, ho, trợn mắt rồi xuất hiện tử ban ở mặt. Sau đó, ở phần tay, chân bé bắt đầu hoại tử, chuyển sang tím tái. Để bảo toàn tính mạng cho bé, bác sĩ phải đoạn cả phần chi.

Theo BS điều trị, bệnh nhi Q. được chẩn đoán bị viêm não mô cầu, vi khuẩn đã làm tắc mạch máu, gây hoại tử cơ khiến da có màu đen. Do đôi chân, tay bệnh nhi bị hoại tử dần, các bác sĩ phải cắt lọc phần da, cơ bị nhiễm trùng và nhằm bảo toàn tính mạng cho bé, bác sĩ phải đoạn cả phần chi.

Sau 2 tháng điều trị, cô bé đã trải qua 3 lần thực hiện cắt lọc phần da cơ hoại tử ở 2 cặp chi. Nhiễm trùng huyết ăn sâu đến đâu, các bác sĩ cắt lọc bỏ da, cơ đến đó. Hiện, vấn đề nhiễm trùng huyết cơ bản được khống chế và tiếp tục theo dõi.

Theo các BS, 2 năm trở lại đây bắt đầu xuất hiện nhiều ca bệnh nhi mắc viêm não mô cầu phải cắt bỏ chi, song trường hợp bé Q. là nặng nhất.

Vậy vì sao trẻ lại mắc viêm não mô cầu, làm thế nào để nhận biết, phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này?

Theo Cục Y tế dự phòng, viêm não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Ngày nay, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%.

Bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não tuỷ cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết do não mô cầu (meningococcemia), viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu.

Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng. Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5%-10%. Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các vụ dịch và đó là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng.

Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tỷ lệ mắc bệnh từ 1991-2000 ở Việt Nam là 2,3/ 100.000 dân và là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao nhất (0,03/100.000 dân). Bệnh viêm màng não do não mô cầu xuất hiện tản phát trong suốt năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa thu, đông và xuân, nhất là ở các xã vùng núi biên giới. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.      

Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Bởi vậy, nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khoẻ mang vi khuẩn não mô cầu. Đó là những nguồn lây rất quan trọng của bệnh trong cộng đồng.
- Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3- 4 ngày. Vi khuẩn thường chỉ gây viêm niêm mạc hầu họng. Trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào máu và màng não tuỷ gây bệnh điển hình thì ít xảy ra hơn.
- Thời kỳ lây truyền của bệnh tuỳ thuộc vào sự tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi họng của người nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ biến mất ở mũi họng sau 24 giờ điều trị kháng sinh. Khi ở ngoài cơ thể, vi khuẩn không tồn tại lâu trong dịch tiết mũi họng. 

Phương thức lây truyền của bệnh bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra.

Biện pháp dự phòng:
- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh viêm  màng não do não mô cầu cho nhân dân, nhất là nơi có bệnh lưu hành, để nhân dân biết phát hiện bệnh sớm, cách ly và cộng tác với ngành y tế thực hiện phòng chống dịch trong cộng đồng
- Vệ sinh phòng bệnh.
+ Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
+ Tại nơi có ổ dịch cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.
+ Hiện nay đã có vắc xin polysaccharide của nhóm A, C, Y, W135 phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Đây là vắc xin an toàn và miễn dịch cao nhưng rất đắt. Cầu khuẩn nhóm A là tác nhân gây bệnh thường gặp nhưng chưa có vắc xin. Bởi vậy, trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, nên áp dụng biện pháp giám sát dịch tễ học một cách nghiêm ngặt bệnh viêm màng não do não mô cầu để chỉ định dùng hoá dược dự phòng khi cần thiết.

MỚI - NÓNG