Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai mới đây tiếp nhận bệnh nhân 29 tuổi quê ở Hưng Yên bị ngộ độc rượu. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, khoảng 2 giờ chiều 2/1, thanh niên này đi uống rượu cùng bạn và về nhà ngủ lúc 4 giờ chiều. Tối, gia đình gọi dậy ăn tối, nhưng anh này nói không muốn ăn. Sáng 3/1, người nhà vào gọi dậy thì nam thanh niên này đã không có phản xạ, chân tay lạnh, duỗi cứng. Bệnh nhân nhập viện huyện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, ứ đọng đờm dãi, suy hô hấp, đường máu thấp, phải đặt nội khí quản.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy có tổn thương não lan tỏa ở hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi bị đột quỵ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai tối 4/1 trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hoá, tiêu cơ vân nặng kèm hội chứng suy thận. Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức, lọc máu nhưng vẫn hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não nặng không hồi phục. Sáng 6/1, gia đình xin cho bệnh nhân về vì không có khả năng cứu chữa. Sau đó, bệnh nhân tử vong tại nhà.
Trước đó, riêng trong tháng 10/2020, có 18 trường hợp ngộ độc methanol được xác nhận tại Trung tâm. Phần lớn các ca bệnh này đều nặng và có trường hợp đã tử vong. Bác sĩ Nguyên cho biết, đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu thông thường (rượu Ethanol). Nguyên nhân tử vong thường gặp nhất là do uống nhiều rượu dẫn đến hạ đường huyết.
“Thành phần Ethanol trong rượu sẽ gây hạ đường huyết trong khi bản thân người uống rượu lại không ăn (tinh bột, đạm) trong quá trình uống rượu hoặc đến khi về nhà ngủ luôn và không muốn ăn gì. Đây là lý do khiến đường huyết giảm sâu, nếu cơ thể người đó lại gầy, không có năng lượng dự trữ sẽ bị suy kiệt và tử vong do hạ đường huyết. Ngoài ra, người uống quá nhiều rượu sẽ khiến thần kinh bị ức chế khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Khi trung tâm hô hấp bị ức chế dẫn đến thở yếu, khò khè, thiếu ôxy, tổn thương não và tử vong”, bác sĩ Nguyên giải thích.
Nguy hiểm rượu trôi nổi
Bác sĩ Nguyên nhận định, gần đây, số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol tăng lên có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do 2 nguồn. Thứ nhất là tập trung vào các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đó là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol. Thứ 2 là có một số bệnh nhân uống cồn y tế do nghĩ cồn y tế là an toàn, nhưng những loại cồn y tế này lại không đảm bảo, cũng được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.
“Do công tác quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ nên các hóa chất này tuồn vào tay kẻ xấu, để đóng chai, đóng lọ thành các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc để người dân uống phải. Không chỉ có thế, cồn công nghiệp methanol còn được đóng vào chai làm cồn sát trùng y tế, người dân cứ nghĩ cồn dùng trong y tế là an toàn nên uống được”, bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tác dụng phụ của rượu, khi uống rượu, mọi người cần ăn uống đầy đủ. Người có bệnh về gan mật, huyết áp, tim... cần thận trọng khi uống rượu. Theo khuyến cáo, với nam giới, lượng rượu nên uống một ngày không quá 50 ml loại rượu 39 - 40 độ, bia không quá 400ml. Với nữ giới, lượng chỉ bằng ½ của nam giới.
Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, cần phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho nằm đầu cao và nằm nghiêng sang một bên. Tốt nhất là nằm nghiêng sang bên phải có tác dụng dẫn lưu đờm dãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân nôn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết.