Cần sớm đánh thức năng lượng biển

Cần sớm đánh thức năng lượng biển
TP - Việt Nam (VN) cần sớm thức tỉnh trước nguồn năng lượng xanh khổng lồ trên một triệu kilomet vuông biển, với công suất thương mại có thể gấp hàng trăm lần tổng nhu cầu công suất điện cả nước vào năm 2020.

> Năng lượng tái tạo từ biển

Như nhiều vùng biển khác, nguồn năng lượng tái tạo ở vùng Vịnh Mai Hương, tỉnh Bình Định, được cho là có khả năng thương mại cao. Ảnh: Huỳnh Cao Vân
Như nhiều vùng biển khác, nguồn năng lượng tái tạo ở vùng Vịnh Mai Hương, tỉnh Bình Định, được cho là có khả năng thương mại cao. Ảnh: Huỳnh Cao Vân.

Các nguồn điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng biển ở VN có thể đạt tới hàng triệu kw, đồng thời còn hạn chế được các thiên tai trên biển. Tại các vùng hải đảo, hệ thống năng lượng biển còn giúp giám sát chủ quyền quốc gia.

VN đã và đang triển khai tại vùng ven biển các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh với công suất gần 500 megawatt (MW)/20km2. Nếu nhân rộng ra hàng trăm nghìn kilomet vuông biển nông, riêng nguồn phong điện trên biển, có thể thu được hàng ngàn gigawatt (GW) điện, mỗi GW tương đương 1.000 MW.

Tính toán sơ bộ cho thấy, chỉ cần khai thác 10% diện tích biển nông, chúng ta cũng đã có thể đạt được công suất phong điện gấp 100 lần nhà máy thủy điện Sơn La (công suất thủy điện Sơn La là 3.600 MW).

Phát biểu tại hội thảo kinh tế xanh diễn ra ở tỉnh Quảng Ninh sáng 4-6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường Bùi Cách Tuyến cho hay, chỉ riêng nguồn năng lượng gió ở các vùng đảo xa VN đã là 2.700-4.500 kwh/m2/năm, trong khi ở vùng ven biển là 1.700-4.200 kwh/m2/năm.

Phát triển phong điện trên biển và các năng lượng khác sẽ làm gia tăng giá trị từng kilomet vuông biển, song hành cùng các ngành kinh tế biển truyền thống như hàng hải, đánh bắt hải sản. Và khi phát triển các dạng năng lượng xanh mới trên biển sẽ tạo ra những không gian-diện mạo sinh tồn mới, nhiều việc làm xanh mới.

Đủng đỉnh

Đáng tiếc, tốc độ đầu tư và khai thác nguồn năng lượng sạch vô tận này vẫn khá chậm so với những gì thế giới đang làm và so với tiềm năng của đất nước.

Một trong những dấu hiệu điển hình là VN còn khá đủng đỉnh trong việc xem xét có nên gia nhập Nhóm Quốc tế về Năng lượng Đại dương (OES). OES được Ủy ban Năng lượng Quốc tế (IEA) thành lập năm 2001, có nhiệm vụ hỗ trợ, chuyển giao, thúc đẩy hợp tác quốc tế về các dự án điện biển cho các quốc gia có biển.

Đến nay, OES đã có 20 quốc gia thành viên. Kể từ khi OES ra đời, việc đầu tư nghiên cứu các công nghệ khai thác năng lượng biển có nhiều tiến bộ vượt bậc.

Thế kỷ 20, mới có một mô hình năng lượng biển cạnh tranh thành công, nhà máy điện thủy triều ở Rance (Pháp) năm 1967 công suất 240 megawatt (MW).

Nhưng chỉ sau một thập niên đầu tiên của Thế kỷ 21, sau khi OES thành lập, đã có một dự án mang tên Sihwa của Hàn Quốc, năm 2011, với công suất 254 megawatt (MW), bằng 1/5 công suất nhà máy thủy điện Hòa Bình của VN.

Mới đây nhất, tháng 4-2012, một công viên phong điện khác đi vào hoạt động như Walney của Anh Quốc công suất 367 MW. Cùng lúc, các dự án cỡ vài GW cũng đang được triển khai trên nhiều vùng đại dương.

Dựa vào ưu tế của OES, Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand đều đặt mục tiêu, đến năm 2020, đưa tỷ lệ đóng góp của điện biển lên mức cao hơn rất nhiều lần so với chỉ tiêu của VN.

OES giúp công nghệ điện biển liên tục được thương mại hóa với suất đầu tư/kw giảm nhanh, trở nên ngày càng cạnh tranh so với các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, dầu khí, thủy điện, hạt nhân. Theo OES, đến năm 2050, ngành năng lượng đại dương thế giới sẽ tạo 160.000 việc làm, sản xuất ra 748 GW điện, giảm phát thải 5,2 tỷ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính CO2 .

Vậy mà, khi được mời tham gia OES, VN lại cho biết đang nghiên cứu lời mời. Đã đến lúc VN cần sớm tham gia các tổ chức quốc tế để có thể triển khai hiệu quả một chiến lược năng lượng xanh trên biển, làm cho ước mơ “rừng vàng, biển bạc” thành hiện thực.

TS Dư Văn Toán
Viện Nghiên cứu Quản lý Biển&Hải đảo, Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam

Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo

VN sẽ tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) trong những năm tới, PGS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết tại hội thảo về kinh tế xanh diễn ra sáng qua 4-6 ở Quảng Ninh.

Theo dự thảo mới nhất về tăng trưởng xanh do liên bộ KH&ĐT, TN&MT, NN&PTNT và Công Thương xây dựng, VN phấn đấu giảm lượng khí thải nhà kính 10-15% vào năm 2020, 35-40% vào giai đoạn tiếp theo; đảm bảo giá trị sản phẩm các ngành công nghệ cao chiếm tỉ trọng 40-45% GDP vào năm 2020 và 80% năm 2030.

Chính phủ đang nỗ lực định hướng cơ chế thị trường cho phát triển NLTT, phấn đấu đưa NLTT chiếm 3% vào năm 2015, khoảng 5% vào 2020 và 8% năm 2025. Phát điện từ NLTT trong tương đương 7 tỷ kWh (2020) và 20 tỷ kWh vào năm 2025.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.