Giá tăng là tất yếu
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, sau những vụ hỏa hoạn liên tục xảy ra tại các nhà trọ và chung cư mini, chính quyền và các cơ quan chức năng đang ngày càng gắt gao trong việc thanh tra, kiểm tra các tiêu chuẩn về PCCC. Hệ quả là nhiều nhà trọ phải đóng cửa vì không đạt tiêu chuẩn.
Do đó, nguồn cung về nhà trọ giảm, trong khi đó nhu cầu thuê trọ đang ngày càng tăng vào thời điểm trước thềm năm học mới. Vì vậy, giá thuê trọ đồng loạt tăng là quy luật tất yếu của thị trường.
Tương tự, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, nhiều nhà trọ đã và đang đầu tư mạnh vào hệ thống PCCC nên việc tăng giá thuê trọ là điều đương nhiên.
Ngoài ra, theo TS. Lâm, để giảm bớt nguy cơ cháy nổ, các chủ nhà trọ đang ưu tiên việc mở rộng không gian của mỗi phòng thay vì tăng số lượng phòng. Với một diện tích không đổi, khi số lượng phòng giảm đi và không gian mỗi phòng tăng lên, chủ nhà trọ buộc phải tăng giá thuê.
“Các căn phòng rộng hơn, đảm bảo về phòng cháy cũng phù hợp với nhu cầu của phần lớn sinh viên hiện nay. Các em đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, chứ không ham rẻ mà bất chấp sự an nguy của bản thân. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách khách quan để thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn với các chủ nhà trọ. Họ làm kinh doanh nên phải tuân theo những quy luật tất yếu của thị trường. Nếu không, họ sẽ khó tồn tại”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.
Cần quyết liệt di dời ra khỏi nội đô
Bàn về các giải pháp trước mắt, TS. Đinh Tiến Hiếu - Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội cho biết, trường sẽ phối hợp với ký túc xá (KTX) Mễ Trì để bố trí chỗ ở cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, là con thương binh/liệt sĩ, là người dân tộc thiểu số và cả sinh viên khuyết tật…
Bên cạnh đó, trường phối hợp với các chủ nhà trọ khu vực xung quanh để tìm chỗ trọ cho sinh viên với giá phù hợp. “Trung tâm Truyền thông và Công nghệ thông tin của trường đang xây dựng một ứng dụng giúp sinh viên tìm nhà trọ bằng điện thoại”, TS. Đinh Tiến Hiếu cho biết.
Hai khu giảng đường của ĐHQGHN cơ sở Hòa Lạc. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội |
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, để giải quyết vấn đề chỗ ở cho sinh viên về lâu dài, cần phải xây dựng thêm các khu KTX tập trung cho sinh viên.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này là không hề đơn giản. PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, hiện các trường đại học tại Hà Nội rất khó tìm quỹ đất để xây thêm các khu KTX. Tại Thủ đô đã có 3 khu KTX tập trung là Làng sinh viên HACINCO (quận Thanh Xuân), KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai), KTX Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm), được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách.
Nhưng lượng sinh viên “dạt” ra các nhà trọ vẫn rất đông, bởi Làng sinh viên HACINCO và KTX Mỹ Đình II thường xuyên kín chỗ; còn KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp nằm quá xa các trường đại học nên hầu như không có sinh viên đến trọ.
“Không gian cư trú trong nội đô ngày càng bị thu hẹp, không còn quỹ đất trống để xây dựng thêm KTX tập trung cho sinh viên. Trong khi đó, lượng sinh viên đổ về thì ngày một nhiều. Theo tôi, cần phải di chuyển bớt các trường đại học ra khu vực ngoại thành để giảm bớt áp lực về nhu cầu ở trọ cho khu vực nội thành”, PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Hiện Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là cơ sở giáo dục, đào tạo đi đầu trong việc triển khai di dời với quy mô lớn. Tháng 10/2022, cơ sở mới của ĐHQGHN tại Khu đô thị Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), đã đón 1.500 sinh viên khóa đầu tiên. Hiện có hơn 6.000 sinh viên đang học tập và cư trú tại cơ sở này. Năm học tới đây, ĐHQGHN sẽ tiếp tục đưa thêm 10.000 sinh viên tới Hòa Lạc.
Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, TP Hà Nội (được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2024 vừa qua) đã đề xuất di chuyển các trường đại học có diện tích nhỏ hơn 2 héc-ta (trừ một số trường đặc thù) ra các đô thị vệ tinh để giảm tải áp lực cho nội đô. Trước đó, tháng 5/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ, yêu cầu Hà Nội có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô.