Cần sa, nấm thần bủa vây giới trẻ: 'Buộc' trách nhiệm gia đình, nhà trường vào luật

Các đối tượng vận chuyển ma túy đá số lượng lớn về Hà Nội bị Công an huyện Phúc Thọ bắt giữ đầu tháng 6/2020
Các đối tượng vận chuyển ma túy đá số lượng lớn về Hà Nội bị Công an huyện Phúc Thọ bắt giữ đầu tháng 6/2020
TP - Trước đây chúng ta vẫn chỉ nói suông về trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội mỗi khi giới trẻ lạc bước, sa chân vào các tệ nạn xã hội, song nay trách nhiệm đó đã được cụ thể hoá vào dự thảo Luật phòng, chống ma tuý (sửa đổi) - đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp.

Cái tôi của giới trẻ

Theo đánh giá của Bộ Công an, tình hình số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm...., trong đó đáng lo ngại là việc sử dụng trái phép ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần trong giới trẻ.

Lý giải cho tình trạng này, Trung tá - TS Hà Thị Hồng Lan, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, ngoài việc các chất ma tuý tổng hợp, chất gây ảo giác đang “bủa vây” giới trẻ thì ở lứa tuổi này các em rất dễ bị tác động bởi tâm lý trào lưu, đám đông, thấy người khác làm được thì mình cũng làm được để chứng tỏ “cái tôi” của bản thân.

Cùng quan điểm, TS. BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày  Mai Hương (Hà Nội) cho rằng, giới trẻ hiện nay đang tò mò, liều lĩnh và tự cho mình là hiểu biết do tiếp cận cái mới nhiều hơn nên có xu hướng nghe theo bạn bè mà bỏ ngoài tai lời bố mẹ. Do vậy, khi con trẻ vẫn còn trong sự quản lý của bố mẹ, cần phải sát sao không thể phó mặc tương lai của con.

“Bố mẹ cần làm gương cho con bằng sự lao động chuyên cần, hướng thiện, tập trung vào những mục tiêu, mục đích cụ thể có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ra, bố mẹ cần kiểm soát các mối quan hệ của con cái, làm cho chúng càng bận càng tốt như tham gia các trò chơi lành mạnh, học tập hay các hoạt động từ thiện và dạy cho trẻ kỹ năng đối phó, chủ động từ chối cái xấu trong mọi tình huống” - TS. BS Thu chia sẻ.

Gia đình, nhà trường cũng có trách nhiệm

Dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) đã dành một chương để quy định về trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp…

Theo đó, gia đình có trách nhiệm giáo dục thành viên, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy. Đồng thời có trách nhiệm hợp tác với cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy; cung cấp kịp thời những thông tin về tội phạm và tệ nạn ma túy, việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan công an…(Điều 7 - dự thảo Luật).

Còn theo quy định tại Điều 9, nhà trường và các cơ sở giáo dục phải tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy cũng như tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

Cần cụ thể hóa hơn nữa về trách nhiệm

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Cty Luật ICC, việc quy định trách nhiệm phòng, chống ma túy của các chủ thể trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi hiện nay là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, luật sư Tùng băn khoăn về việc các quy định về “trách nhiệm” tại dự thảo Luật còn chung chung, chưa cụ thể.

Ví dụ, tại Khoản 2, Khoản 3 của Điều 9 quy định trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục thì câu hỏi được đặt ra là hình thức phối hợp giữa nhà trường, cơ sở giáo dục với gia đình, các cơ quan tổ chức khác như thế nào và có bắt buộc phải thực hiện thống nhất không? Hay phối hợp theo hình thức nào là do tùy từng đơn vị quyết định? Ai là người có thẩm quyền quyết định hình thức phối hợp này?

Hay chế tài đối với việc không thực hiện sẽ là gì và có nên bổ sung quy định giao cho người đứng đầu nhà trường, cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng, ban hành văn bản quy định hoặc quy chế về phòng, chống ma túy tại đơn vị, trong đó quy định rõ trách nhiệm cho từng phòng, ban, cá nhân giáo viên đối với từng hoạt động cụ thể không…(?)

Cần sa, nấm thần bủa vây giới trẻ: 'Buộc' trách nhiệm gia đình, nhà trường vào luật ảnh 1 Luật sư Nguyễn Thanh Tùng

“Khi học sinh sử dụng ma túy ở trường thì ai là người chịu trách nhiệm hay con trẻ ở nhà sử dụng ma túy thì xử phạt ai, điều này vô tình tạo thêm áp lực cho thầy cô và gia đình.Nếu xử phạt nặng quá thì cha mẹ không dám cho con ra đường hay đi đâu thì cũng phải đi theo vì lo sợ bị phạt… trong khi đó ngay tại gia đình và nhà trường về mặt đạo đức họ đã có trách nhiệm phòng, chống ma túy và cũng không mong muốn con em mình vướng vào nghiện ngập ma túy” - luật sư Nguyễn Thanh Tùng nêu câu hỏi.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.