Trong nhiều ngày qua, một đề án được đưa ra đã tạo nên dư luận nhiều chiều. Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM năm học 2014-2015” như sau:
Toàn bộ SGK truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng. Theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỷ đồng cho 327.127 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, trong đó có 5.334 học sinh thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước chi.
Chắc cả quan điểm phản đối (dữ dội) và ủng hộ đều nên có sự cân nhắc hơn. Một bên là nỗi lo trẻ nhỏ sử dụng màn hình điện tử sớm sẽ hại đến sức khỏe tâm thần, thị lực và những di hại lâu dài khi những thể chất và tâm hồn non nớt sớm phải tiếp xúc với một sản phẩm công nghệ cao vô hồn, vô cảm; một bên là ám ảnh về sự tụt hậu của giáo dục Việt Nam và hậu quả là tụt hậu của khoa học công nghệ, kỹ năng làm việc và đương nhiên là cả kinh tế Việt Nam khi mà nhiều nước lại sớm đưa máy tính bảng vào trường học và triển khai rộng rãi mô hình trường học thông minh.
Một bên là nỗi lo nhiều gia đình ngay tại TPHCM vẫn vừa phải chạy ăn vừa méo mặt lo tiền học cho con, lấy đâu ra mấy triệu đồng trang bị máy tính bảng cho các bé và một bên là sự băn khoăn hàng vạn trẻ em ở nhiều trường học có đủ điều kiện tiếp cận với các phương tiện và dụng cụ học tập công nghệ hiện đại nhưng không thể sử dụng vì phải đợi bộ phận “nhà không có điều kiện”.
Và một bên là nỗi lo ánh sáng vô cảm từ màn hình máy tính làm lụi đi ánh sáng nhân văn trong tâm hồn con trẻ và một bên là nỗi ám ảnh về sự thua kém về kỹ năng của con em Việt so với chúng bạn cùng trang lứa ở một số nước trong điều kiện công nghệ phát triển nhanh chóng, máy tính thâm nhập ngày càng sâu vào công việc và đời sống hằng ngày.
Ắt hẳn việc triển khai đại trà ngay toàn bộ đề án này ở địa phương dù là phát triển nhất nước là TP Hồ Chí Minh đi chăng nữa cũng là không thực tế và duy ý chí đúng như quan điểm của những người phản đối. Nhưng chắc cũng là cản trở sự tiến bộ nếu cứ khăng khăng ngăn cản nó.
Có lẽ điều nên làm trong tình huống này là nghiên cứu kỹ càng, thí điểm thận trọng, tổng kết sâu sắc thực tiễn (nhất là kinh nghiệm của những nước đã có chương trình tương tự) để có những quyết định khôn ngoan và vô tư nhất vì tiền đồ của con em và tương lai của đất nước.