Việc quy định về chế độ sử dụng đất xây dựng công trình ngầm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp, đặc biệt là đất đô thị.
Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện nay pháp luật đất đai, pháp luật dân sự hiện hành và cả dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có quy định cụ thể về chiều cao và chiều sâu mà tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất được khai thác, sử dụng. Việc giới hạn chiều cao, chiều sâu này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật |
Mặc dù vậy, theo ông Hiển, qua rà soát cho thấy trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn thi hành…, các quy định liên quan đến vấn đề trên còn rất tản mát, tiếp cận còn riêng lẻ, thiếu đồng bộ; độ phủ của các quy hoạch thì chưa kín nên gây lúng túng trong quản lý. Nhiều trường hợp phạm vi sử dụng không gian của người sử dụng đất là rất rộng hoặc chưa được xác định dẫn đến thực tế là trên một thửa đất, ở cùng một thời điểm chỉ có một chủ thể khai thác, sử dụng, gây khó khăn trong việc tận dụng nguồn lực đất đai.
Để khắc phục các vấn đề trên, ông Hiển kiến nghị dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần được nghiên cứu, bổ sung quy định nguyên tắc về sự phân chia quyền sử dụng đất ngầm theo địa tầng. Theo đó, căn cứ vào từng loại đất, ngoài diện tích bề mặt của người sử dụng đất thì còn quy định độ sâu tối đa mà người sử dụng đất bề mặt được khai thác, sử dụng.
Đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng khoảng không gian bên trên mặt đất để bảo đảm đồng bộ. “Tất nhiên, trong mọi trường hợp, việc khai thác, sử dụng không gian ngầm, không gian bên trên mặt đất vẫn phải theo quy hoạch cụ thể của từng vị trí đất”, ông Hiển nói.
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại để sử dụng vào mục đích gì, trình tự, thủ tục thực hiện cụ thể như thế nào. Ảnh mang tính minh họa |
Ngoài ra, các quy định của dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm mà chưa có các quy định để điều chỉnh đối với không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình. “Chẳng hạn như các khu vực công cộng, vườn hoa, công viên, quảng trường thì có thể cấp quyền sử dụng không gian ngầm cho các tổ chức, cá nhân hay không”, ông Hiển dẫn chứng.
Bên cạnh đó, theo ông cũng cần làm rõ trong trường hợp cho phép sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình không phải là phần ngầm của công trình trên mặt đất thì cơ chế sử dụng đất, mối quan hệ giữa các chủ thể có quyền sử dụng bề mặt đất với chủ sở hữu công trình ngầm sẽ được giải quyết ra sao để tạo thuận lợi cho quá trình khai thác, sử dụng.
Mặt khác, khoản 2 Điều 214 dự thảo Luật Đất đai quy định, người sử dụng đất theo quy định của Luật này được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian dưới lòng đất theo quy định của pháp luật khi được nhà nước xác định theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về kiến trúc...Tuy nhiên, theo ông Hiển việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại để sử dụng vào mục đích gì, trình tự, thủ tục thực hiện cụ thể như thế nào thì chưa được dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định. Do đó, để bảo đảm tính khả thi của quy định, dự thảo Luật, ông Hiển cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ các nội dung này.