> Cần bổ sung quy định về cơ quan bảo hiến
TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp. |
HĐND đang “song trùng trực thuộc”
Các địa phương và bộ, ban ngành đang trong quá trình tổng kết 20 năm thi hành Hiến pháp 1992, một nội dung nổi lên trong quá trình tổng kết là vai trò của HĐND các cấp, ông có đánh giá gì về việc này?
Mô hình tổ chức, quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của HĐND và UBND là một nội dung rất quan trọng của Hiến pháp. Trong quá trình tổng kết, nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề có nên coi HĐND là cơ quan quyền lực ở địa phương hay không? Các bản Hiến pháp sửa đổi về sau của chúng ta (Hiến pháp 1959, 1980, 1992) đều xác định HĐND các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, còn trong Hiến pháp 1946 thì không nói HĐND là cơ quan quyền lực.
Vì vậy, một vấn đề đặt ra là xác định HĐND là cơ quan quyền lực hay là cơ quan hành chính. Bởi vì thực tế hiện nay do xác định HĐND là cơ quan quyền lực, hai là cơ quan đại diện, nên nhiều người coi HĐND như là cấp dưới của Quốc hội, thuộc ngành dọc “cơ quan dân cử”, HĐND nhiều khi được coi là “Quốc hội thu nhỏ ở địa phương”, HĐND chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của UB Thường vụ Quốc hội.
Nhưng mặt khác HĐND lại là cơ quan mang tính hành chính, chịu trách nhiệm chấp hành luật pháp, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của cấp trên, nên HĐND chịu sự kiểm tra, hướng dẫn của Chính phủ. Chính vì thực tế này mà HĐND có tình trạng “song trùng trực thuộc”.
Có ý kiến cho rằng trong tương quan với UBND, HĐND ít khi được Chính phủ “hướng dẫn và kiểm tra”, có lẽ vì bản thân Chính phủ là cơ quan hành chính, cơ quan “chấp hành của Quốc hội” nên khó có thể hướng dẫn được nghiệp vụ, chuyên môn cho một cơ quan dân cử, cơ quan đại diện là HĐND.
Nhiều ý kiến cho rằng vì HĐND, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã hoạt động không thực chất, không hiệu quả nên cần phải bỏ đi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng HĐND lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tạo điều kiện đầy đủ về bộ máy, con người, nguồn lực và cơ chế nên mới xảy ra tình trạng hình thức như nhiều người đề cập.
Trong các phương án đang bàn thì có một phương án là HĐND sẽ do dân bầu ra, còn UBND lúc này gọi là Ủy ban hành chính (UBHC). Người đứng đầu ở đây là Chủ tịch UBHC có thể được Thủ tướng bổ nhiệm, ở cấp dưới thì do Chủ tịch tỉnh bổ nhiệm. Trong trường hợp được bổ nhiệm thì gọi là Thị trưởng hoặc Tỉnh trưởng.
Một phương án nữa là dân sẽ trực tiếp bầu ra Tỉnh trưởng hoặc Thị trưởng, khi đó quyền lực của Thị trưởng sẽ rất mạnh. Như vậy, việc hình thành ra vị trí của Tỉnh trưởng/ Thị trưởng thì có 3 cách. Một là do HĐND bầu như hiện nay, hai là Thủ tướng bổ nhiệm và ba là do dân trực tiếp bầu.
Dù theo mô hình hoặc phương án nào thì việc phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của HĐND và UBND các cấp, quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm trước nhân dân sẽ giúp HĐND và UBND hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
Cần thay đổi quan niệm và nhận thức
Ông nghĩ sao về việc để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch tỉnh, thành như một số đề xuất gần đây?
Chúng ta cần mạnh dạn tổ chức để dân bầu trực tiếp và tôi nghĩ cấp tỉnh thì càng tốt vì ở cấp cơ sở mình mới sợ bè cánh, họ hàng, nội tộc thân quen… nhưng khi đã lên huyện thì có nhiều xã, lên đến cấp tỉnh thì có nhiều quận, huyện thì lúc đó không chỉ là “làm dâu một họ mà làm dâu trăm họ”.
Như bầu cử Hội đồng nhân dân, bầu cử đại biểu Quốc hội thì thực chất cũng là dân bầu cho từng ứng cử viên cụ thể. Mình phải có niềm tin ở nhân dân, nhân dân hoàn toàn có thể sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng nếu mình cung cấp đầy đủ thông tin và tạo điều kiện cho nhân dân tiếp xúc đầy đủ với các ứng cử viên.
Tôi nghĩ chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới, không nhất thiết phải yêu cầu tất cả ứng cử viên phải là đảng viên vì có những người không là đảng viên nhưng người ta vẫn hoàn toàn vì lợi ích chung, vì dân, vì nước thì những người đó chúng ta vẫn cần mạnh dạn tin tưởng. Còn nếu người đó làm trái với nguyện vọng của nhân dân, vi phạm quyền lợi của dân, trái với pháp luật thì chúng ta cũng có cơ chế bất tín nhiệm, thay thế. Khi chúng ta đã có cơ chế cho dân bầu lên thì cũng cần có cơ chế để người dân bãi nhiệm, phế truất những người mình
bầu ra.
Bây giờ thực tế nếu một đảng viên mà không làm tròn trách nhiệm, vi phạm pháp luật, sách nhiễu nhân dân, tham nhũng thì vẫn cho nghỉ chứ Đảng đâu có dung túng. Đối với đảng viên, đứng trước dân, người dân có trăm tai nghìn mắt thì không thể qua mặt được.
Chúng ta nên có quá trình chuẩn bị chu đáo, đưa ra nhiều ứng cử viên đủ năng lực và một vấn đề nữa là không nên tuyệt đối hóa cái gì cả. Tranh cử 3, 4 người, chỉ cần đạt quá 50% số phiếu là được rồi, chứ một người được gần 100% số phiếu chưa chắc đã làm tốt. Cho nên chỗ này cũng phải thay đổi quan niệm và nhận thức. Ta nên mạnh dạn làm, không có gì đáng sợ ở đây cả!
Nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển sang mô hình chính quyền đô thị như đề xuất mới đây của Đà Nẵng sẽ giúp giải quyết nhanh gọn hơn các công việc của người dân, ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng nông thôn và đô thị có nhiều điểm khác nhau về dân cư, tập quán sống, điều kiện kinh tế-văn hóa-xã hội, địa lý. Việc hình thành chính quyền đô thị có thể sẽ giúp việc chỉ đạo công việc được trực tiếp và nhanh chóng hơn, xử lý các vấn đề của đô thị nhanh hơn. Ví dụ như mô hình cảnh sát đô thị, họ có thể xử lý tất cả vấn đề chứ không cần nhiều cấp thanh tra như hiện nay, nhiều tầng nấc và chồng chéo trong quản lý.
Bây giờ như một vụ dân khiếu kiện ở dưới về xây dựng chẳng hạn, đến ông Chủ tịch lại giao cho ông Phó Chủ tịch, rồi ông Phó Chủ tịch lại giao cho một ông Giám đốc sở, nhưng xuống dưới cũng liên quan đến rất nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau. Tổ chức chính quyền theo mô hình đô thị và nông thôn thì nhiều nước đã làm rồi, chúng ta nghiên cứu tổ chức theo hướng đó cũng là cần thiết và phù hợp.
Mô hình chính quyền đô thị mà Đà Nẵng kiến nghị mới đây có thể phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính các cấp chính quyền đô thị vì khi đó các cơ quan chuyên môn được tổ chức theo hướng quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt, bộ máy tinh gọn và hợp lý, tăng cường tính chuyên nghiệp, giải quyết nhanh gọn công việc của người dân.
Cảm ơn ông.
Hà Nhân - Cao Nhật thực hiện