Sáng 5/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo “Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam”. Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Bộ môn Kinh tế Năng lượng trường Đại học Bách khoa, Chủ nhiệm đề án, cho biết, theo Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, hiện giá điện bán lẻ chia 6 bậc thang (từ 0 kWh đến trên 401 kWh). Tuy nhiên, sau đợt tăng giá bán lẻ bình quân thêm 8,36% từ 20/3, nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh giá không có chu kỳ, ở tỷ lệ cao như vừa qua đã gây sốc cho người dân và nền kinh tế. Việc chia biểu giá 6 bậc thang không còn phù hợp vì quá chi tiết, trong khi cơ cấu tiêu dùng đã thay đổi.
PGS.TS Hồi đưa ra 3 phương án đề xuất về cải tiến số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện, gồm 5 bậc thang, 4 bậc thang và 3 bậc thang.
Nhóm nghiên cứu đề xuất lựa chọn phương án 5 bậc, vì phù hợp hơn với các mục tiêu định giá, và hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. Ngoài ra, những hộ dùng dưới 100 kWh/tháng sẽ trả chi phí chỉ bằng 93,54% thực tế và sẽ không tác động đến CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng (giảm nhẹ).
PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết, Đề án đang luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá với phương án 6 tháng/lần. Thời điểm điều chỉnh giá điện có thể lựa chọn theo mùa mưa, mùa khô, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng, với kỳ điều chỉnh giá đề xuất là vào ngày 1 /3 và 1/9 hằng năm. Đề án cũng đề xuất giá điện chỉ được điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.
GS.VS Trần Đình Long cho rằng, việc luật hóa sẽ giải quyết được vấn đề dung hòa được thị trường và việc điều hành mặt hàng thiết yếu của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Long, việc tính toán, điều chỉnh giá phải cân nhắc thời gian phù hợp, tránh tâm lý bức xúc, ảnh hưởng đời sống của người dân.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học môi trường Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho rằng cần mạnh dạn nghiên cứu chính sách điều chỉnh giá điện trong năm có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào mùa nước hoặc mùa khô. Ông Tịnh đề nghị, ngành điện cần mạnh dạn điều chỉnh giá điện trong năm thành 4 lần, có thể tăng hoặc giảm theo diễn biến giá thành, gắn với 4 mùa với mùa nước, mùa khô.