Cần làm rõ quyền về đất đai

Nên thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai nhưng làm rõ quyền của nhà nước và người dân
Nên thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai nhưng làm rõ quyền của nhà nước và người dân
TP - Hiến pháp phải bảo vệ quyền và đem lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân lao động, làm rõ quyền về đất đai. Đây là những ý kiến đưa ra tại Tọa đàm khoa học góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 do Tạp chí Lý luận chính trị (Học viện chính trị- Hành chính Quốc gia HCM) tổ chức ngày 23-1.

> Cần bản Hiến pháp có đời sống bền vững
> Hiến pháp phải để toàn dân hiểu

PGS.TS Vũ Hoàng Công, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị nhấn mạnh, nguyên tắc công khai, minh bạch là bắt buộc đối với hoạt động cơ quan nhà nước, nhất là khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như ngân sách, tài chính, chiến tranh, hòa bình…

Có vậy, nhân dân mới giám sát, kiểm soát được Nhà nước và chống được tham nhũng, lãng phí. “Một mặt đề cao tính độc lập tương đối và chịu trách nhiệm trước nhân dân của các cơ quan và cá nhân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, mặt khác phải tăng cường sự kiểm soát lẫn nhau trong việc thực thi quyền lực nhà nước” – PGS.TS Công nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Thị Minh Châu (Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế) lưu ý, Hiến pháp phải bảo vệ quyền sở hữu tài sản cũng như quyền tự do mưu sinh của người dân. Trong đó, cần làm rõ đặc trưng kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề tự do kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu của người dân như thế nào.

Liên quan đến chế định quyền sở hữu đất đai, PGS Châu cho biết bà và GS Đặng Hùng Võ từng tranh luận là nên thực hiện sở hữu toàn dân (như hiện nay) hay đa sở hữu - quan điểm của GS Võ - mà theo đó sẽ thừa nhận cả hình thức sở hữu tư nhân về đất đai. Tuy nhiên cuối cùng cả hai đã gặp nhau ở một điểm.

“Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là cần thiết, nhưng cần mở rộng quyền của người dân, hạn chế quyền của nhà nước – đó là điểm chung mà tôi và GS Võ đã gặp nhau; đồng thời cần làm rõ phạm vị quyền của nhà nước và quyền của người dân về đất đai đến đâu” - PGS Châu nhìn nhận.

Cũng theo PGS Châu, quyền về đất đai của nhà nước phải bị hạn chế, nhà nước không có quyền thu hồi đất của dân, mà thay vào đó là trưng mua, trưng thu trong một số trường hợp hiến định; những dự án về kinh tế-xã hội khác phải thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận.

Tránh “rơi vãi” ý kiến là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tại buổi tọa đàm trực tuyến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23-1.

Được phân công làm Tổ trưởng Tổ giúp việc với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia cho Ban chỉ đạo tổng kết và đóng góp ý kiến Hiến pháp 1992 của Chính phủ, ông Hoàng Thế Liên nhận xét: quy trình tổng hợp ý kiến rất khoa học, giai đoạn 1 là thu nhận, giai đoạn 2 là phân tích và giai đoạn 3 là giải trình.

Hiện nay, mẫu biểu để tập hợp ý kiến cho từng chương, từng điều đang được Bộ Tư pháp thiết kế. Đội ngũ tập hợp là các chuyên gia pháp luật nhằm tránh “rơi vãi” ý kiến. Ý kiến hay thì đưa vào Dự thảo, còn lại đưa vào giải trình.

Cũng theo ông Liên, để phát huy dân chủ, có 3 hình thức để lựa chọn. Một là chuẩn bị xong thì đưa ra để toàn dân quyết định, gọi là trưng cầu ý dân. Hai là sau khi Quốc hội (QH) thông qua thì Hiến pháp chỉ có giá trị khi toàn dân phúc quyết.

Thứ ba, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng Hiến pháp. Hiện nay ta đang thực hiện hình thức thứ 3 vì phù hợp với điều kiện của đất nước hiện nay.

Ông Liên cho rằng, khi người dân góp ý thì không nên nghĩ đây là việc của chuyên gia, mà đã là đạo luật gốc thì sẽ quyết định các quyết sách lớn của quốc gia, ai cũng có thể đóng góp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG