Nhìn trên bản đồ cho thấy, QL 1A cũ qua thị xã Cai Lậy tạo ra một vòng cung lớn. Tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy hiện nay nằm ở đường dây cung, có thể khắc phục được tình trạng vòng cung của QL 1A cũ.
Tuy nhiên, khi đi được 1/2 tuyến đường nối giữa 2 “cánh cung”, tuyến tránh BOT Cai Lậy đột ngột ngoặt vào nối với QL 1A khi vừa kết thúc thị xã Cai Lậy.
Nếu tính từ điểm ngoặt vào của tuyến tránh Cai Lậy để nối vào QL 1 chỉ còn 7,7 km. Trong khi đó, cũng tính từ điểm này đến hết tuyến tránh đã xây dựng là 5,54 km, chỉ chênh nhau hơn 2,3 km.
Nếu tiến hành như phương án giải định (hình vẽ), khoảng cách giữa hai “cánh cung” sẽ rút ngắn được khoảng cách di chuyển được hơn 3 km (tổng chiều dài 14 km) so với đi QL 1A cũ (17 km). Còn đi theo tuyến tránh hiện nay, quãng đường kéo dài hơn so với đi QL 1A hiện nay thêm gần 1 km.
Quan sát bản đồ vệ tinh cho thấy, đoạn đường giả định cũng không xuất hiện khu đông dân cư gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với một kỹ sư từng tham gia thiết kế hướng tuyến đường tránh Thị xã Cai Lậy, anh này cho biết, điểm đầu và điểm cuối do chủ đầu tư, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang đưa ra.
Trả lời phóng viên Tiền Phong vào chiều nay, ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hiện nay, tình hình an ninh trật tự tại trạm BOT Cai Lậy rất phức tạp, vượt ra ngoài tầm nên tỉnh có các kiến nghị, báo cáo về văn phòng chính phủ. Chiều nay, Thủ tướng cũng mời chủ tịch UBND tỉnh ra Hà Nội tham dự cuộc họp giải quyết vấn đề này. Do đó, kết quả cụ thể như thế nào thì phải chờ buổi làm việc chiều nay”.
Khi Tiền Phong đặt câu hỏi, trạm BOT Cai Lậy có thể dời vào tuyến đường tránh hay không?, ông Tuấn cho biết, vấn đề này chưa biết được vì thẩm quyền thuộc Bộ GTVT. Quan điểm của tỉnh Tiền Giang, có ủng hộ việc di dời trạm hay không? Ông Tuấn nói hiện chưa thể trả lời được.