Cần hơn nữa hành động quyết liệt!

TP - Trước Tết, thông tin cho biết dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát tại Quảng Ninh, Hải Dương và hầu hết các tỉnh, thành phố. Vậy mà chỉ sau mấy ngày Tết, tình hình lại trở nên nghiêm trọng đến nỗi Hải Dương phải cách ly xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2 (mồng 5 Tết).

Điểm lại các mốc sự kiện có thể thấy có những hoài nghi về công tác phòng chống dịch tại Hải Dương. Tối ngày 27/1, Hải Dương và Quảng Ninh cùng xác định ca bệnh đầu tiên trên địa bàn sau một thời gian dài COVID-19 tạm yên ắng trong cộng đồng. Nhưng điều gì đã xảy ra sau đó? Mười hai ngày sau, trong khi Quảng Ninh có 47 ca mắc thì Hải dương “phi mã” lên 309 bệnh nhân. Trong khi chỉ có duy nhất 1 bệnh nhân ở Hà Nội liên quan ca mắc ở Quảng Ninh thì dịch ở Hải Dương đã nhanh chóng lan ra Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Gia Lai.

Điều gì đã làm nên sự khác biệt trong khống chế virus SARS-CoV-2 giữa hai địa phương này? Theo dõi quá trình triển khai các biện pháp chống dịch của Quảng Ninh và Hải Dương có thể không khó để nhận ra sự quyết tâm và đấu pháp khống chế dịch có phần khác nhau.

Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Quảng Ninh đã tổ chức họp khẩn, yêu cầu truy vết đến F4 - trên mức yêu cầu của cơ quan y tế, thực hiện cách ly, xét nghiệm khẩn đồng thời cho dừng mọi cuộc hội thảo, sự kiện, cũng như cho học sinh tại 5 điểm nóng nghỉ học...

Trong khi đó tại Hải Dương, chiều 14/2 (mùng 3 Tết), tại hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh này, được biết, lực lượng tinh nhuệ trong chống dịch đã được điều động để hỗ trợ Hải Dương. Bộ Y tế cũng đánh giá cao Hải Dương trong việc triển khai các biện pháp chống dịch, huy động cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo lắng dịch ở Hải Dương sẽ tác động đến công tác chống dịch của cả nước.

“Chúng ta phải chấp nhận phong toả, giãn cách trong 2 tuần để chặn lại tốc độ lây nhiễm của dịch. Chúng tôi khuyến nghị như vậy, còn thực hiện Chỉ thị 16 tại bao nhiêu huyện, xã là do tỉnh quyết định”, Bộ trưởng Y tế đã đề nghị.

Những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn được Hải Dương thực hiện tương đối tốt, song có lúc chưa thật quyết liệt. Đến sáng 15/2, Hải Dương đi đến quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh bắt đầu từ 0h ngày 16/2.

Nhìn lại diễn biến từ khi dịch xuất hiện tại Hải Dương, Quảng Ninh, sau đó là Hà Nội, TPHCM cùng những hành động nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt của các ngành, các cấp, lực lượng chống dịch ở địa phương đã cho thấy sự tin tưởng rằng, dịch sẽ được kiểm soát sau Tết và dần bị đẩy lùi. Song thực tế thì đã có nơi đã quá 20 ngày dịch bùng phát, nguy cơ dịch lây lan vẫn còn cao.

Cuộc chiến với COVID-19 cần hơn nữa sự quyết liệt bằng những hành động chủ động, quyết đoán, kịp thời. ở những địa phương còn chưa thật quyết liệt, giải pháp chống dịch sắp tới đây nữa sẽ là gì, người dân vẫn muốn biết sớm, để tiếp tục tin rằng, dịch sẽ được đẩy lùi  trong nay mai.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.