Cần hình phạt nghiêm để bảo vệ gỗ quý

Cần hình phạt nghiêm để bảo vệ gỗ quý
TP - Ông Nguyễn Bá Thụ, Chủ tịch Hiệp hội vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm lâm cảnh báo nếu cứ để tình trạng như hiện nay, gỗ sưa và nhiều loại gỗ quý khác ở rừng sẽ bị tuyệt diệt.

> Đột kích giải cứu sưa bất thành

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Thụ cho biết: Thời tôi làm Cục trưởng Cục Kiểm lâm, vùng Phong Nha - Kẻ Bàng chưa có cơn sốt gỗ sưa, nhưng nhiều người dân Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã đổ xô đi săn lùng cây trầm hương. Bây giờ cây trầm hương cơ bản đã bị xóa sổ, thì lại đến lượt cây sưa bị lâm tặc ráo riết tìm cách triệt hạ. Theo tôi, gỗ sưa bị chặt trộm có sự điều khiển của một số đầu nậu

Theo ông, chúng ta có thể bảo vệ được những cây sưa ở Phong Nha - Kẻ Bàng?

Nếu giá gỗ sưa vẫn cao chót vót như hiện nay, và có thể lên giá nữa, thì rất khó bảo vệ những cây sưa ở Phong Nha- Kẻ Bàng. Ngay giữa Hà Nội mà lâm tặc còn chặt được cả cây sưa. Rừng mênh mông như thế, lực lượng kiểm lâm bảo vệ sưa thường rất bị động, trong khi lâm tặc lại rất “chủ động”.

Lâm tặc trăm mưu nghìn kế, lâm tặc “vây” mấy trăm kiểm lâm, theo dõi kiểm lâm. Gỗ sưa đắt như heroin, nên lâm tặc ( bao gồm cả những kẻ đầu nậu đứng sau) có sự liều mạng, sẵn sàng sử dụng cả vũ khí nóng lẫn “đạn bọc đường” miễn là chặt được sưa.

Từng làm Cục trưởng Cục Kiểm lâm, ông có thể nói gì về sự nguy hiểm của “đạn bọc đường”?

Lực lượng kiểm lâm không phải tốt 100%, thế nào cũng có kẻ thoái hóa, biến chất. Nhiều khi chỉ cần lờ cho lâm tặc đi qua cũng đã có nhiều tiền, trong khi nếu bắt chúng rất có thể bị hành hung. Nhưng đã cầm tiền của lâm tặc rồi thì “há miệng mặc quai”, lần sau sẽ phải cho lâm tặc đi qua. Để xảy ra nhưng việc chặt trộm sưa ở Phong Nha- Kẻ Bàng cũng do anh em kiểm lâm không nghiêm.

Thưa ông, cần triển khai những biện pháp gì để có thể bảo vệ được gỗ sưa và các loại gỗ quý hiếm khác ở Phong Nha - Kẻ Bàng và các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nước?

Lực lượng kiểm lâm không thể cứ ngồi canh từng gốc sưa trong rừng để bảo vệ. Có những anh em kiểm lâm đã mắc võng lên cây sưa để canh chừng lâm tặc. Nhưng đó chỉ là biện pháp tình thế thôi, có khi lại phản tác dụng vì “lạy ông tôi ở bụi này”.

Rừng Phong Nha- Kẻ Bàng là rừng đặc dụng, cho nên cũng không thể khai thác gỗ sưa để “chạy” lâm tặc. Tôi nghĩ rằng để bảo vệ được cây sưa ở Phong Nha – Kẻ Bàng và nhiều rừng quốc gia khác một cách bền vững lâu dài thì phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa kiểm lâm, công an, quân đội và chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh gỗ sưa đắt như heroin hiện nay phải cần có những hình phạt nghiêm khắc, còn nếu chỉ chiểu theo các mức phạt của Luật Bảo vệ và phát triển rừng như hiện nay thì không đủ sức răn đe lâm tặc.

Cảm ơn ông.

Phùng Nguyên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG