Cần có luật phá sản cho ĐH, CĐ ngoài công lập

TP - Sáng qua, 21/9, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi các Luật  về giáo dục. Nội dung được lãnh đạo các trường ĐH quan tâm đó là phân tầng, xếp hạng trường ĐH; hội đồng trường, trường có được hoặc bị phá sản; và những điều này  sẽ được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi như thế nào?

Trong báo cáo tham luận gửi đến hội thảo, GS. Hoàng Xuân Sính, chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Thăng Long cho biết, số trường  ĐH ngoài công lập có nguy cơ ngừng hoạt động cao do thí sinh đăng ký ít (từ 58 đến 1.168 thí sinh) là 26 trường. “Trong khi đó, các trường ĐH, CĐ công lập lại đang trong quá trình thực hiện tự chủ, nhất là tự chủ trong tuyển sinh. Nếu các trường ĐH công lập được tuyển sinh thêm, chắc chắn các trường ĐH ngoài công lập sẽ hết thí sinh để tuyển” – GS. Hoàng Xuân Sính cho hay. 

Do đó, theo GS. Hoàng Xuân Sính việc quy hoạch lại các trường ĐH, CĐ cần được thực hiện thận trọng, có nghiên cứu, có lộ trình, có thí điểm. GS. Hoàng Xuân Sính cũng cho hay, để giải quyết tình trạng một số trường ĐH ngoài công lập đang bị mua đi bán lại trước bờ vực của phá sản đòi hỏi phải có luật phá sản cho các trường này. “Việc xây dựng luật phá sản cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập là cần thiết, song cần cân nhắc nhiều khía cạnh khi xây dựng luật này để tránh những hệ quả tiêu cực cho cá nhân và xã hội” – GS. Hoàng Xuân Sính đề xuất.

Sinh viên cũng được tham gia Hội đồng trường?

Một vấn đề mà các trường quan tâm đó là tự chủ. Nội dung này đã được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Phú, hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long thì  tự chủ ĐH của Việt Nam đi rất chậm. GS. Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hải Phòng cho rằng trong điều 32 của Luật Giáo dục ĐH và một số Nghị định của Chính phủ đều thể hiện quan điểm tự chủ là một quyền lợi hơn là trách nhiệm. Với quan điểm đó, thì có “tặng” quyền lợi này cho các trường hay không là quyền của nhà nước và có nhận hay không là quyền của các trường. “Nói cách khác, đứng trên quan điểm này thì Nhà nước không thể bắt buộc một cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện tự chủ” – GS. Trần Hữu Nghị bày tỏ.

Chính vì vậy, ông đề nghị trong lần sửa đổi sắp tới, Luật phải thể hiện rõ quan điểm tự chủ là trách nhiệm, là thuộc tính của các cơ sở giáo dục ĐH. Nhà nước không thể cứ mãi “nuôi nấng”, bao bọc và chịu trách nhiệm  hết cho các cơ sở giáo dục ĐH. Làm như thế, các trường ĐH mãi không thể “lớn”. 

Một vấn đề liên quan đến tự chủ của các trường ĐH công lập, đó là vai trò của hội đồng trường. Theo GS. Trần Hữu Nghị, điều 16 của Luật Giáo dục ĐH chưa làm rõ vai trò, quyền hạn của hội đồng trường trong mối tương quan với cơ quan chủ quản, với Đảng ủy nhà trường, làm cho Hội đồng trường không có thực quyền. Nhiều trường công lập không thực hiện cũng không sao. Quy định nhiệm kỳ của Hội đồng trường theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng ngầm định rằng hiệu trưởng có quyền hạn cao hơn Hội đồng trường là không phù hợp.  Do đó, GS. Trần Hữu Nghị đề xuất Hội đồng trường cần phải do cán bộ giảng viên nhà trường bầu theo phổ thông đầu phiếu, có quyền hạn như Hội đồng quản trị của các trường ngoài công lập.

Đại diện trường ĐH Hải Phòng thì cho rằng  trong Luật cần quy định rõ thành phần trong Hội đồng trường. Cụ thể, thành phần quản lý trong trường không quá 1/3 thành viên trong Hội đồng trường. Sinh viên cũng được quyền tham gia vào Hội đồng trường. Các thành phần bên ngoài cũng được tham gia với tỷ lệ 1/3.  Khi đó, lợi ích của các bên gồm cả người học mới được đảm bảo hài hòa. “Tôi cho rằng, nhiệm kỳ của Hội đồng trường không nên trùng với nhiệm kỳ của hiệu trưởng như quy định hiện nay. Hội đồng trường phải có quyền hạn bầu hiệu trưởng, thậm chí được bổ nhiệm phó hiệu trưởng. Do đó, nhiệm kỳ Hội đồng trường phải lệch với nhiệm kỳ của Hiệu trưởng” – vị đại diện này đề xuất.

MỚI - NÓNG