Mở đầu bài thuyết trình của mình, GS. Đỗ Đức Thái cho biết Toán học xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Toán học cũng sẽ là nền tảng để thực hiện cuộc cách mạng 4.0, giáo dục 4.0. Với vai trò là Chủ biên môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, GS. Thái cho rằng ông có một may mắn đó là được đứng trên vai “người khổng lồ” là lịch sử 70 năm phát triển đỉnh cao ổn định của nền Toán học nước nhà. Nhưng để biết “người khổng lồ” đó như thế nào thì cần có đánh giá, khảo cứu thời gian qua, Việt Nam dạy và học Toán như thế nào. Đồng thời cũng cần xem thế giới đang làm ra sao.
Đánh giá về chương trình học toán hiện hành, GS Đỗ Đức Thái cho rằng đang có một số bất cập. Thứ nhất là đang ép từ trên ép xuống. “Những kiến thức học sinh có thể tiếp nhận “hiển nhiên” ở lớp 6, lớp 7 thì đưa xuống làm khó cho học sinh lớp 4, lớp 5” - GS. Đỗ Đức Thái ví dụ.
Bất cập thứ hai là dạy những kiến thức không phù hợp. GS. Đỗ Đức Thái đưa ra minh chứng là những phàn nàn của GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng, người dùng lý thuyết tổ hợp (giải tích tổ hợp) nhiều nhất trong công trình của mình. GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng cho biết, trong hơn 60 năm cuộc đời của mình chưa phải giải phương trình tổ hợp hay rút gọn đẳng thức tổ hợp nào “lằng nhằng” như trong đề thi đại học của Việt Nam.
“Tôi nhìn vào đề thi tuyển sinh, tôi rất kinh ngạc với những phương trình như loga, tích phân mà sau này trong đời không biết ai sẽ dùng đến” - GS. Thái nhấn mạnh. Do đó, theo GS. Đỗ Đức Thái, không thể đưa khoa học Toán học “ép” vào phổ thông.
Chính vì vậy, GS. Đỗ Đức Thái cho biết môn Toán sẽ tiếp cận theo hướng phát triển năng lực. Do đó, học toán không phải để hướng tới đi thi mà toán học như cần câu cơm của mỗi con người. Vì vậy triết lý xây dựng môn Toán lần này theo GS. Đỗ Đức Thái là tinh giản, thiết thực, hiện đại, sáng tạo. Chương trình học sắp tới sẽ giảm tải nhiều so với hiện nay. GS.Đỗ Đức Thái cũng chia sẻ, ở cấp THPT, dự kiến môn Toán sẽ học 3 tiết/tuần.
Tư duy học để thi đã “nghiền nát” cải cách giáo dục
Theo GS. Đỗ Đức Thái, ban soạn thảo chương trình các bộ môn và chương trình tổng thể đều nhận thức rõ tâm lý học để làm quan, để thoát nông đã ăn sâu ngàn đời nay trong tâm lý người Việt. Nên học để đi thi, thi gì học nấy. Lối suy nghĩ đó “nghiền nát” tất cả cải cách giáo dục. Một trong những nghiền nát đau xót nhất đó là phân ban. Phân ban là một chủ trương hiện đại, hướng đến sở thích, năng lực của từng học trò. Nhưng lối thi gì học nấy đã nghiền nát phân ban. “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của giáo viên. Thưa thầy, đi thi chỉ cho học sinh tích vào một trong 4 ô chứ có hỏi năng lực đâu mà thầy bắt chúng em dạy năng lực. Cuối cùng, môn Vật lý thí nghiệm nọ thí nghiệm kia nhưng khi thi chỉ là hình thức hóa Toán học Vật lý, không thi Vật lý và đặc biệt không thi trên bản chất của Vật lý. Chúng ta nhìn thấy tai hại của thi trắc nghiệm, căn nguyên sâu xa của thi trắc nghiệm”. Theo GS. Thái, môn Toán cũng chịu chung số phận như vậy. Về lý thuyết, thi trắc nghiệm hoặc những hình thức thi cử này khác đều là phát minh lớn của nhân loại nhưng mỗi kỳ thi có một tính năng khác nhau. Thi đại trà có thể thi trắc nghiệm, thi chọn nhân tài có tính chất phân loại thì trắc nghiệm cũng được nhưng có bao nhiêu chuyên gia đủ tài để ra được bộ đề đó?
Chính vì vậy, GS. Thái cho biết khoảng cuối tháng 9 tới, Hội Toán học Việt Nam sẽ làm một cuộc hội thảo công khai, chọn hai mã đề 101, 102 của đề thi Toán THPT quốc gia vừa rồi, phân tích trên góc độ về lý luận dạy học, lý luận đánh giá, góc độ tác động xã hội để xem hai mã đề đó, phương thức thi đó được gì và không được gì. “Chúng tôi sẽ làm việc này. Cơ quan quản lý có hài lòng hay không hài lòng là việc của cơ quan quản lý. Với tư cách của người công dân yêu nước, chúng tôi sẽ làm” - GS. Thái nhấn mạnh.
“Nhìn vào đề thi tuyển sinh, tôi rất kinh ngạc với những phương trình như loga, tích phân mà sau này trong đời không biết ai sẽ dùng đến” .
GS. Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán