Không có may rủi trong bài thi trắc nghiệm

Thứ trưởng Bùi Văn Ga (người đeo thẻ đứng giữa) kiểm tra công tác chấm thi tại Hưng Yên
Thứ trưởng Bùi Văn Ga (người đeo thẻ đứng giữa) kiểm tra công tác chấm thi tại Hưng Yên
TPO - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, công tác chấm thi tại các địa phương đến thời điểm này diễn ra an toàn nghiêm túc. Thứ trưởng cũng khẳng định, với bài thi trắc nghiệm và hình thức chấm thi như năm nay, kết quả thi sẽ khách quan, đảm bảo công bằng cho thí sinh. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Năm nay các địa phương chuẩn bị chu đáo để chấm thi trắc nghiệm và tự luận. Là năm đầu tiên  các Sở GD&ĐT chủ trì kỳ thi với hai mục đích  nên rất lo lắng, UBND các tỉnh, thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt, sát sao.

Các Sở đều tăng cường đội ngũ chấm thi nhất là trắc nghiệm, lựa chọn những người có kinh nghiệm để giao nhiệm vụ. Quy chế thi được quán triệt cụ thể, thậm chí còn làm tốt hơn quy chế nên có thể an tâm về công  tác chấm thi năm nay.

Qua quá trình đi kiểm tra vừa qua, theo ông, có trường hợp nào cần rút kinh nghiệm?

Hiện nay, 10 đoàn kiểm tra của Bộ đã đi hầu hết các tỉnh trên cả nước, các đoàn đều báo cáo về rất suôn sẻ, chưa có gì phải nhắc nhở. Lúc đầu, một số địa phương chưa hiểu nhiệm vụ của thanh tra chấm thi do Bộ cử về. Bộ cũng đã có giải thích rõ ràng về vấn đề này để các địa phương hiểu vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ thanh tra Bộ ở các hội đồng chấm.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết dự kiến 12, 13/7 sẽ công bố điểm sàn. Điểm sàn năm nay sẽ không thay đổi đột biến. 

Sau khi Bộ công bố đáp án, có một số ý kiến về đáp án môn Lịch sử gây tranh cãi. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Những băn khoăn của dư luận Bộ đã chuyển cho tổ ra đề để trả lời, giải trình. Cho đến lúc này, các giải trình của tổ đề đều khẳng định đáp án của Bộ là đúng, chính xác. Thí sinh yên tâm không băn khoăn.

Nhưng nhiều ý kiến góp ý là đề trắc nghiệm môn xã hội không nên đưa ra những câu hỏi gây hiểu lầm, gây tranh cãi hay phải nhớ máy móc về không gian thời gian?

Năm nay là  năm đầu tiên thi trắc nghiệm các môn khoa học xã hội với 24 mã đề khác nhau. Nên việc chuẩn bị ngân hàng đề thi thời gian đầu cũng có khó khăn. Thường thường để hoàn thiện đề trắc nghiệm khách quan phải mất vài năm chuẩn bị. Hy vọng sau một năm, những năm tới, đề thi sẽ tốt hơn. Với những đề có thắc mắc, băn khoăn, tổ đề thi sẵn sàng đối thoại nên mong rằng các chuyên gia, độc giả phát hiện gì đó thì có thể trao đổi trực tiếp với tổ đề. Không nên thảo luận trên diễn đàn xã hội khiến học sinh băn khoăn, lo lắng khi vừa trải qua một kỳ thi căng thẳng.

Những trường hợp nào sẽ chấm thẩm định, thưa ông?

Khi phát hiện ra những bất thường thì Bộ sẽ tiến hành chấm thẩm định. Ví dụ có môn điểm thật cao nhưng có môn điểm rất thấp, nghi ngờ có tiêu cực trong chấm thi.

Cũng có nhiều ý kiến quan ngại kết quả thi năm nay vùng sâu vùng xa có thể cao hơn thành phổ. Ông nghĩ sao?

Với cách thi và chấm trắc nghiệm như hiện nay, ở đâu cũng khách quan, minh bạch như nhau, không can thiệp chủ quan được. Còn với môn Ngữ văn, Bộ cũng  đã huy động thanh tra ĐH tham gia vào tất cả các khâu của quá trình chấm thi. Với bài thi trắc nghiệm điểm tuyệt đối sẽ không nhiều.

Nhưng điểm có cao hơn so với bài thi tự luận. Tuy nhiên, có thể khẳng định với đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa  thì không có chuyện đánh mò một đáp án cũng được 25% điểm. Mà đánh như thế có thể bị 0 điểm. Vì đáp án do máy tính trộn. Tính may rủi sẽ giảm rất nhiều.

Đồng thời, dù quy định của Bộ GD&ĐT là ngày 7/7 phải chấm xong nhưng Bộ cũng khuyến khích các Sở công bố điểm sớm. 

MỚI - NÓNG