Cần chính sách đặc biệt hỗ trợ đánh bắt xa bờ

Cần chính sách đặc biệt hỗ trợ đánh bắt xa bờ
TP - “Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân Quảng Ngãi, và được họ xem như vườn nhà, ao nhà mình” - ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Khai thác và bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, nói với Tiền Phong ngày 1/4.

> Hàng trăm ngàn ngư dân thiệt thòi
> Đề xuất chính sách tổng thể cho ngư dân

Tại hội nghị tổng kết vụ cá Bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau) tại Cát Bà (Hải Phòng) hôm qua, ông Sơn cho biết: Theo thống kê, tàu của ngư dân Quảng Ngãi chiếm 50% số lượt tàu thuyền cả nước có hoạt động khai thác trên ngư trường Hoàng Sa. Việc tàu Trung Quốc bắn cháy cabin tàu cá QNg 96382 của ngư dân Quảng Ngãi, khiến chúng tôi bức xúc, phẫn nộ.

Theo ông Sơn, nên có chính sách căn cơ với những tàu cá hoạt động trên vùng biển Việt Nam, bị nước ngoài quấy nhiễu, để có cơ chế hỗ trợ. Chẳng hạn vụ tàu cá QNg 96382 bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin, hiện ngoài những giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức xã hội, thì nhà nước chưa có chính sách riêng để hỗ trợ.

Hiện Quảng Ngãi có hơn 5.400 tàu cá, trong đó loại công suất 90 CV trở lên, đánh bắt vùng biển xa khoảng 2.300 tàu.

Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có trên 128.000 tàu, trong đó loại tàu đánh bắt xa bờ có công suất 90 CV trở lên khoảng 25.000 tàu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Tổng cục trưởng Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết, sản lượng khai thác vụ cá Bắc vừa rồi cả nước đạt 1,25 triệu tấn, tăng hơn 10%, là một kết quả ấn tượng. Sự hiện diện ngư dân trên biển đã tăng lên, nhất là vùng Hoàng Sa, Trường Sa, DK1.

Tuy nhiên, còn tiềm ẩn về thiên tai, “nhân tai” đe dọa ngư dân phía trước. Theo ông Tám, từ giữa tháng 5 đến đến đầu tháng 8 hàng năm, Trung Quốc thực hiện lệnh cấm biển. Cùng đó, họ còn triển khai nhiều hoạt động cứng rắn, trên các vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đe dọa ngư dân ta.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, để hạn chế rủi ro cho ngư dân, trước hết phải bám sát diễn biến tình hình để bảo vệ ngư dân, cung cấp thông tin cho ngư dân biết để phòng tránh thiên tai, và rủi ro khác.

Đối với đánh bắt xa bờ, ông Tám cho biết: Chính phủ vừa phê duyệt đề án khai thác trên biển, đầu tư cho công tác điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, tổ chức lại sản xuất với vùng xa bờ, ven bờ. Với vùng xa bờ, trên cơ sở điều tra nguồn lợi, sẽ sắp xếp theo nhóm nghề, ngư trường; còn ven bờ, sẽ phân cấp toàn diện cho địa phương.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, tới đây, ngoài những hỗ trợ hiện hành, sẽ có chính sách vay vốn cho ngư dân, chính sách về bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, y tế chăm sóc sức khỏe cho ngư dân và hỗ trợ rủi ro khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG