Dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT khởi công năm 2010 và có tiến độ hoàn thành năm 2015. Đến nay sau 11 năm triển khai, dự án vẫn chưa thể vận hành thương mại (chậm 6 năm). Số tổng mức đầu tư của dự án hiện nay tăng lên 18.000 tỷ đồng (trong đó có 57% là tiền đội giá). |
Từ năm 2018 dự án đã nhập lần lượt tất cả 13 đoàn tàu. Đã trải qua hơn 3 năm chạy thử kỹ thuật nhưng đến nay các đoàn tàu vẫn chưa thể chạy thật. |
Tại ga Cát Linh (Trung tâm điều hành), nhiều máy móc, thiết bị đắt tiền như hệ thống kiểm soát, bán vé tự động, cầu thang cuốn do đã lắp đặt xong nhiều năm nay, nhưng chưa được sử dụng nên đang bị quây rào; bụi, mạng nhện giăng kín. |
Hệ thống lối đi vào thang nâng để lên các tầng của nhà ga tại ga Cát Linh đang bị biến thành nhà kho; chứa nhiều vật dụng to, nặng. |
Tay cầm bờ lan can đi vào thang nâng ga Cát Linh đã bị nứt gãy, vừa được thợ thi công hàn lại. |
Kính chắn gió, bụi được lắp hai bên bờ lan can đi vào cầu thang Cát Linh cũng đang bị rạn nứt, hư hỏng tại nhiều vị trí. |
Tại hệ thống 12 ga trên cao dọc lộ trình Ga Cát Linh - bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông), phóng viên cũng ghi nhận, do nhiều hạng mục trong đó có thang cuốn được lắp đặt lâu ngày chưa sử dụng, lại nằm ngoài trời nên đang có hiện tượng hoen gỉ, xuống cấp. |
Tại ga La Thành, ngoài phủ bụi, cầu thang cuốn tiền tỷ ở đây còn bị bong, mất nhiều thiết bị hỗ trợ an toàn. |
Cầu thang bộ lên xuống tầng 2 tại một số ga còn bị rò rỉ nước từ bên trong ra, khiến mặt cầu thang luôn trơn trượt, các thiết bị hỗ trợ bị ngâm nước. |
Được đầu tư với giá 18 nghìn tỷ đồng và mỗi ngày ngân sách nhà nước đã phải trả lãi gốc cho ngân hàng Trung Quốc 1,8 tỷ đồng nhưng đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa một ngày chở khách. Việc dự án chậm đưa vào khai thác 6 năm đã làm chệch thời điểm vàng phục vụ giao thông công cộng, cùng với đó nhiều thiết bị trên tuyến xuống cấp, hư hỏng... trông như phế tích. |