Theo lãnh đạo UBND phường Ngọc Thụy, người dân đánh cá ở khu vực đã phát hiện ra vật thể lạ nghi là bom ở đáy của sông Hồng và dùng can nhựa đánh dấu lại sau đó báo cơ quan chức năng. Ảnh: Thanh Hà
Theo Cục đường thủy nội địa Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức đã phối hợp với Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) và Bộ Chỉ huy quân sự TP Hà Nội kiểm tra và đưa ra biện pháp xử lý. Ảnh: Thanh Hà.
Đồng thời, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc đã yêu cầu điều chỉnh, bố trí báo hiệu đường thủy phù hợp để hướng dẫn phương tiện thủy lưu thông qua khu vực cầu Long Biên an toàn trong thời gian chờ xác minh, xử lý chướng ngại vật nêu trên. Ảnh Thanh Hà.
Ngày 26/11, trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng Thanh tra - an toàn số 2 (chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) cho biết, cơ quan chức năng đã xác định vật thể lạ ở gần trụ cầu Long Biên là một quả bom tương đối lớn. "Chúng tôi có cử người ra hiện trường và nhận được chỉ đạo đảm bảo công tác phân luồng an toàn đường thủy tại khu vực này" - ông Khiết cho hay. Trong ảnh là khu vực trụ cầu P13. Ảnh: Thanh Hà.
Ghi nhận của PV sáng 26/11, người dân sinh sống tại khu vực phường Ngọc Thụy khá bất ngờ với thông tin trên. Trong ảnh tàu thuyền qua lại cầu Long Biên cách khá xa trụ cầu phát hiện bom. Ảnh: Thanh Hà.
Nhiều người dân lưu thông qua cầu Long Biên hàng ngày. Ảnh: Thanh Hà.
Khu vực gần trụ cầu phát hiện bom. Ảnh: Thanh Hà.
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902). Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Ảnh: Thanh Hà.
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ 1 (1965-1968), cầu bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ hai của không lực Hoa Kỳ (1972) cầu Long Biên bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1500m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt. Trong thập kỷ 90, cầu Long Biên được sử dụng chỉ cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Năm 2002, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thông qua dự án gia cố sửa chữa cầu Long Biên giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 94,66 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Hà.