ĐH Hùng Vương chấm dứt hợp đồng lao động:

Cán bộ, giảng viên kêu cứu

Cán bộ, giảng viên kêu cứu
TP - Chỉ trong một ngày, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) trường Đại học (ĐH) Hùng Vương TPHCM- ông Đặng Thành Tâm đã ký 79 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 79 người, đồng thời cũng thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với 26 cán bộ, giảng viên còn lại. Trước động thái này, hàng chục giáo viên đã đệ đơn khắp nơi cầu cứu…

Trước đó, ngày 10/12/2015, ông Đặng Thành Tâm - nguyên Chủ tịch HĐQT trường ĐH Hùng Vương TPHCM ký văn bản gửi Đảng ủy, Ban chấp hành công đoàn Trường ĐH Hùng Vương TPHCM về việc thực hiện phương án sử dụng lao động.

Cũng theo văn bản này, đối với những người hết hạn hợp đồng lao động, không có hợp đồng lao động, đến tuổi về hưu, quá tuổi quản lý theo quy định của trường thì nhà trường chấm dứt hợp đồng lao động và thanh toán các chính sách theo pháp luật lao động. Với hợp đồng chưa tới hạn và hợp đồng không xác định thời hạn, nhà trường sẽ thanh lý hợp đồng lao động và thanh toán đầy đủ chế độ, chính sách theo pháp luật lao động quy định, để tránh trường hợp khi trường không được cho hoạt động giáo dục đào tạo nữa thì không ảnh hưởng đến quyền lợi...

Cô H, một giảng viên nằm trong số 26 người được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng bức xúc cho rằng ông Đặng Thành Tâm - nguyên Chủ tịch HĐQT trường ban hành thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với  giảng viên mà không dựa vào quy định của Bộ luật Lao động. Còn ông Nguyễn Mộng Giao (Phó hiệu trưởng, một trong những người bị chấm dứt hợp đồng lao động với ĐH Hùng Vương) cũng cho rằng các quyết định trên là sai luật, bởi nhiệm kỳ của HĐQT ĐH Hùng Vương đã hết từ hồi cuối tháng 6/2015 nên chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Tâm không còn hiệu lực…

Trường ĐH Hùng Vương nói gì?

Trao đổi với Tiền Phong, bà Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực của trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho biết, 4 năm qua trường không được tuyển sinh, tính đến nay trường bị lỗ hơn 50 tỷ đồng, đồng thời còn phải trả 12,7 tỷ đồng truy thu thuế từ thời kỳ là trường dân lập nên vốn bị thâm hụt nghiêm trọng.

“Trong 4 năm qua, từ 10.000 sinh viên nay chỉ còn 50 sinh viên và trường không tuyển được một sinh viên nào nên nhiều giảng viên chỉ ngồi chơi, không dạy 1 tiết nào vẫn lãnh lương hàng tháng, thậm chí có người không 1 ngày tới trường nhưng vẫn nhận lương đầy đủ, 3 năm được lên lương và chuyển ngạch bình thường... HĐQT không đổ lỗi cho người lao động mà đang tìm cách giải quyết tốt nhất”, bà An nói.

Bà An cho biết hiện trường còn 50 sinh viên, trong đó có 9 sinh viên chính quy sẽ ra trường vào tháng 3 này. Nhà trường đang chuẩn bị hợp đồng để ký lại với một đội ngũ giảng viên nòng cốt để duy trì hoạt động của trường theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT nên sau đó, sinh viên nào ra trường thì người lãnh đạo cao nhất sẽ ký bằng cho sinh viên đó”.

Cũng theo bà An, nhà trường tha thiết, mong muốn các cấp thẩm quyền, Bộ GD&ĐT, UBND TPHCM có hướng dẫn, hỗ trợ để nhà trường tổ chức đại hội cổ đông đúng quy định, từ đó bầu HĐQT mới, bầu Hiệu trưởng… để làm lại từ đầu bởi nhiều năm qua, trường đại hội nhưng bầu mãi không thành công.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.