Cần hoạt động ngoại khóa thiết thực
Tôi nhận thấy hoạt động CTĐ&PTTN trong Quân đội được tiến hành rất nghiêm túc, sôi nổi, đa dạng, hấp dẫn. Ở Học viện Hậu cần, phần lớn ĐVTN là học viên, quá trình học tập, rèn luyện ở nhà trường luôn gắn liền với hoạt động Đoàn, được chỉ huy đơn vị luôn tạo mọi điều kiện phát huy nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Cùng với đó, cán bộ Đoàn, nhất là cấp Liên chi đoàn và Đoàn cơ sở là các đồng chí có nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, rất nhiệt huyết với hoạt động Đoàn. Chúng tôi thường xuyên được tham gia các hoạt động của tuổi trẻ như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động tình nguyện, thiện nguyện, các phong trào thi đua, các cuộc vận động… giúp chúng tôi yêu đơn vị hơn, học tập, rèn luyện tốt hơn, trưởng thành hơn.
Là một đoàn viên, tôi kiến nghị cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa thiết thực như tham quan các khu di tích, trung tâm văn hóa; trao đổi về mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo trong hoạt động CTĐ&PTTN. Hàng năm, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong các đối tượng thanh niên cả nước. Phát huy hiệu quả Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp để giúp các bạn tham gia khởi nghiệp tìm đến để tiếp nhận sự hỗ trợ. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại giữa lãnh đạo các cấp để lắng nghe các ý kiến, tâm tư nguyện vọng khởi nghiệp để có các cơ chế chính sách hỗ trợ…
(Binh nhất Mai Văn Quân - Học viên Tiểu đoàn 1, Học viện Hậu cần)
Binh nhất Mai Văn Quân
Còn biểu hiện “khoán trắng”
Tại Học viện Hậu cần, hiện nay, hoạt động CTĐ&PTTN luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Học viện, đẩy mạnh thi đua “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và công tác tốt” với các phong trào, mô hình cụ thể như “Chi đoàn học tốt, rèn nghiêm”, “Giờ học thanh niên”, “Chi đoàn dạy tốt”, “Giờ giảng mẫu”, “Bài giảng mẫu”, phong trào Tuổi trẻ sáng tạo khoa học… Đồng thời, triển khai có hiệu quả các hoạt động xung kích, phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Các hoạt động Tháng Thanh niên, Hè tình nguyện, phong trào “Tuổi trẻ Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, chương trình “Ngôi nhà 100 đồng”, “Chủ nhật Đỏ”... được ĐVTN nhiệt tình hưởng ứng. Qua đó giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức, kiến thức, kỹ năng cần thiết cho ĐVTN.
Tuy nhiên, hoạt động CTĐ&PTTN vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Ở một số đơn vị nhận thức chưa thật sâu sắc, đầy đủ về thanh niên và công tác thanh niên, còn có biểu hiện “khoán trắng” cho đội ngũ cán bộ Đoàn. Việc lựa chọn bồi dưỡng cán bộ Đoàn chưa thật tích cực, chủ động, chưa phát huy được tinh thần say mê trong hoạt động của đội ngũ này. Mặt khác, cán bộ Đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm, có đồng chí chưa tâm huyết với công tác Đoàn, trong làm việc còn trông chờ, ỷ lại và có lúc mang tính chiếu lệ. Nền nếp, chế độ sinh hoạt Đoàn tuy đã củng cố, nâng cao song chưa đều, nội dung còn hạn chế, hình thức còn khô cứng chưa thu hút, lôi cuốn ĐVTN tham gia sinh hoạt.
(Trung úy Trương Quốc Việt - Ủy viên BCH Đoàn cơ sở, Bí thư Liên chi đoàn, Học viện Hậu cần)
Trung úy Trương Quốc Việt
Áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Đoàn
Hoạt động CTĐ&PTTN trong những năm qua ở đơn vị nói riêng và toàn quân nói chung được duy trì thường xuyên, nghiêm túc có nền nếp; đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình là tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện ĐVTN có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành chức trách quân nhân. Các hoạt động này luôn diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên các mặt công tác, góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và thường xuyên bổ sung lực lượng nòng cốt cho phong trào của địa phương.
Tại Lữ đoàn 229, ĐVTN là lực lượng chính trong thực hiệt các nhiệm vụ của đơn vị, như huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng công trình chiến đấu, rà phá bom mìn vật liệu nổ, cứu hộ, cứu nan, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật…. Thông qua các hoạt động CTĐ&PTTN, đã tạo môi trường để ĐVTN cống hiến và khẳng định trình độ, năng lực và tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ trên các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và trong triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị.
Có thể khẳng định, các hoạt động CTĐ&PTTN là sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sống cho ĐVTN, là nơi để tuổi trẻ giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm hay. Tuy nhiên, các hoạt động CTĐ&PTTN trong Quân đội nói chung và ở đơn vị nói riêng còn mang tính nguyên tắc, gò ép…. và còn mang tính truyền thống, chưa có nhiều đổi mới, chưa có nhiều các hoạt động áp dụng công nghệ thông tin vào tổ chức các hoạt động.
(Thiếu tá Nguyễn Quang Tuyển - Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 229, Binh chủng Công binh)
Thiếu tá Nguyễn Quang Tuyển
Tạo việc làm cho thanh niên xuất ngũ
Để thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Quân đội nói riêng thực sự “vững tin tiếp bước”, chúng tôi mong muốn và kỳ vọng T.Ư Đoàn sẽ tập hợp được những thủ lĩnh của tuổi trẻ thực sự có tâm, đủ tầm, có trí tuệ; thực sự dám hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, Nhà nước và Quân đội ban hành được những chủ trương, chính sách thiết thực, tạo ra môi trường thực sự thuận lợi để thu hút được nhân tài thanh niên cả nước nói chung và thanh niên Quân đội nói riêng được rèn luyện, phấn đấu, cống hiến, và trưởng thành.
Riêng thanh niên Quân đội, một trong những vấn đề mà chúng tôi trăn trở, mong muốn là được đào tạo nghề và bố trí việc làm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Do đó, rất mong T.Ư Đoàn có cơ chế, chính sách phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương để giới thiệu, bố trí việc làm cho thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về các địa phương.
(Trung tá Nguyễn Đức Ánh - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn 229, Binh chủng Công binh)