Cấm xe máy, dân đi bằng gì?

TPO - Trước đề xuất hạn chế xe máy vào TPHCM dần tiến tới cấm xe máy ở thành phố, một số chuyên gia khác cho rằng, cấm xe máy thì người dân đi bằng gì? Trong khi hệ thống giao thông công cộng hiện nay chỉ đảm nhận chưa tới 10% nhu cầu đi lại của người dân và chưa có cơ sở gì để hệ thống giao thông công cộng phát triển bền vững.

Giao thông công cộng còn quá nhiều bất cập

Bàn về biện pháp hạn chế xe cá nhân và khả năng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đối với hệ thống giao thông công cộng (GTCC), ThS Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TPHCM cho rằng, hệ thống GTCC ở TPHCM hiện tại đang còn quá nhiều bất cập.

Cấm xe máy, dân đi bằng gì? ảnh 1 Xe máy là phương tiện giao thông cơ động của người dân thành phố

ThS Tính cho biết, theo số liệu của Sở GTVT TPHCM thì đến cuối năm 2016, TPHCM có 155 tuyến xe buýt, trong đó 106 tuyến có trợ giá, 46 tuyến không trợ giá và 3 tuyến xe điện. Có gần 3.000 xe buýt lớn nhỏ và hơn 12.500 xe taxi. Mỗi ngày xe buýt vận chuyển được khoảng 891.000 lượt hành khách, sản lượng khai thác giảm so với năm 2015 và đây là năm thứ 4 liên tiếp sản lượng xe buýt tiếp tục năm sau giảm so với năm trước.

“Về bất cập, tỉ lệ tăng của hành khách đi lại không tương ứng với tỉ lệ tăng tiền trợ giá, đặc biệt là những năm gần đây tỉ lệ tăng sản lượng đã chững lại. Các chính sách ưu tiên cho xe buýt lưu thông, chính sách khuyến khích người dân đi lại bằng xe buýt chưa rõ ràng, chưa làm đến nơi đến chốn. Hệ thống giao thông công cộng hiện nay chỉ đảm nhận chưa tới 10% nhu cầu đi lại của người dân và chưa có cơ sở gì để hệ thống giao thông công cộng phát triển bền vững”, ThS Tính cho biết.

TS Hoàng Thị Kim Chi, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cũng cho rằng hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Như tổ chức mạng lưới xe buýt còn phức tạp, chưa được phân cấp (tuyến trục, tuyến nhánh), dẫn đến việc không thuận tiện cho người dân sử dụng như trạm đi, trạm đón... Người dân phải thay đổi nhiều tuyến xe buýt khác nhau trên một lộ trình.

Phần lớn xe buýt đang hoạt động là xe cũ, không đảm bảo chất lượng phục vụ cũng như mỹ quan đô thị. “Muốn người dân sử dụng xe buýt công cộng thì cần có các biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ. Đây là biện pháp hạn chế xe cá nhân, giúp hạn chế ùn tắc giao thông”, TS Kim Chi nói. 

Ưu điểm của xe cá nhân

ThS Lê Trung Tính cho rằng, với việc xe buýt chỉ đáp ứng chưa được 10% nhu cầu đi lại của người dân thành phố có nghĩa hiện nay hơn 90% nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân là xe cá nhân. Đồng thời, số lượng xe cá nhân đến nay đã đạt mức “kỉ lục”.

Điều đó cho thấy xe cá nhân có nhiều ưu điểm hơn so với xe công cộng như tính cơ động cao, tính tiện lợi mà ít có hệ thống giao thông công cộng nào đáp ứng được. Do đó, vai trò, vị trí của xe cá nhân trong việc thỏa mãn nhu cầu đi lại là không thể chối cãi.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Long, trường đại học Bách Khoa TPHCM cho rằng, sử dụng xe cá nhân giúp người dân thành phố thuận tiện trong lưu thông với mức chi phí hợp lý. Xe máy có tính cơ động cao, đặc biệt trong những đoạn đường nhỏ hẹp, các con hẻm… người dân sử dụng xe máy cho nhiều mục đích như đi học, đi làm, mua sắm… “Bên cạnh tính cơ động và giá thành phải chăng, người dân lựa chọn xe máy bởi sự nghèo nàn trong hoạt động vận tải hành khách công cộng”, TS Long cho biết.

Cấm xe máy, dân đi bằng gì? ảnh 2 Xe buýt hiện nay chỉ đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu đi lại của người dân.

Cần lộ trình hạn chế

Theo các chuyên gia, nhu cầu sử dụng xe cá nhân hiện nay của người dân là không thể chối cãi do chất lượng phục vụ của vận tải hành khách công cộng còn quá nhiều bất cập, hạn chế. Tuy nhiên, trong tương lai cũng cân hạn chế xe cá nhân nhưng phải có lộ tình và biện pháp hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng.

ThS.Lê Trung Tính cho rằng, bên cạnh các ưu điểm của xe cá nhân so với xe công cộng thì xe cá nhân cũng góp phần làm tình trạng ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông... Việc xem xét hạn chế xe cá nhân trong giai đoạn tới là hợp lý.

Tuy nhiên, chỉ nên hạn chế chứ không cấm. Từng bước hạn chế từ xe máy cho đến ô tô. Để hạn chế được xe cá nhân, điều bắt buộc là phải phát triển xe buýt, nhanh chóng phát triển vận tải khối lượng lớn thay vì xe buýt như hiện nay.

Còn TS.KTS Nguyễn Thiềm cho rằng, cần có giải pháp về quy hoạch đô thị mới giảm được ùn tắc giao thông và hạn chế xe cá nhân. Ngành giao thông, đô thị cần kết hợp để xác định phân cấp các tuyến đường, trên có sở đó xác định có bao nhiêu tuyến vận tải công cộng trên từng tuyến đường để có các giải pháp hợp lý.

Trong khu vực trung tâm cần cấm xây dựng các nhà cao tầng mặt tiền chọc lối đi ra đường chính, dừng hẳn việc cấp phép các khu văn phòng cho thuê tại trung tâm. Xây dựng các thành phố vệ tinh tại Củ Chi,Bình Chánh, Thủ Đức..

"Vì vậy, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngoài việc xử lý hành chính, kinh tế,... cần giải pháp về quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, tính bền vững chỉ được thực hiện khi người dân giảm được áp lực về thời gian đi lại vì phương tiện dù là cá nhân hay công cộng cũng chỉ là phương tiện", TS.KTS Nguyễn Thiềm nói.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.