Cảm ơn những 'Cô Tiên'

Cảm ơn những 'Cô Tiên'
TPO - Một số người hay lo lắng về việc các ngôi sao đi làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, ít ai nghĩ tới trách nhiệm và gánh nặng họ sẽ phải cáng đáng khi đã nổi tiếng như một kênh chuyên làm từ thiện. Ngay việc họ đã mang cả tính mạng mình ra đánh cược khi lao vào tâm lũ đã là một tư cách rồi.

Công việc chuyên môn và từ thiện hoàn toàn tách biệt. Không phải vì Thủy Tiên hay Mỹ Tâm chăm đi làm từ thiện mà tài năng ca hát của họ được nâng lên một tầm cao mới. Công tác từ thiện đòi hỏi một số tố chất khác mà sự nổi tiếng ban đầu là một thành tố không mang tính quyết định. Nhiều người dù hữu hay vô danh vẫn đang làm từ thiện chính bằng việc gửi tiền qua những kênh như Thủy Tiên.

Tính chất nổi tiếng trước và sau khi trở thành ngôi sao từ thiện khác nhau rất nhiều. Nếu trước đó, là ngôi sao giải trí bạn chỉ cần lo làm tốt công việc chuyên môn và “chiều chuộng” những người hâm mộ bạn. Khi là ngôi sao từ thiện bạn phải chịu tác động từ một cộng động không giới hạn, không hình thù. Ở đó bạn có thể được tôn lên bậc thánh hay bị biến thành quái vật kể cả khi bạn có làm từ thiện với hết tâm sức đi chăng nữa.

Vì vậy sau khi đạt tới một mức nổi tiếng đồng nghĩa với uy tín đủ để mọi người biết đến và trao tiền cho bạn, bạn cần có khả năng tổ chức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và quyết đoán. Bản lĩnh của Tiên thể hiện qua những dòng viết sau đây: “Nếu như vì việc này mà mình không may mất hết, mình cũng vui vẻ chấp nhận, vì mình tin rằng với số lượng người được giúp, cũng đáng để mình đánh đổi mà. Ai mà không đến lúc già đi và mất hết chứ”. Khả năng làm thiện nguyện của Thủy Tiên đã được chứng minh qua một số sự vụ trước đây. Và số tiền từ thiện lớn nhất từ trước tới nay dồn cho Thủy Tiên lần này ngoài việc chứng tỏ năng lực của cô còn cho thấy quy mô khủng khiếp của cơn hồng thủy. Trăm tỉ đồng quá lớn với một cá nhân nhưng đối với hậu quả thiên tai chắc chắn chỉ khắc phục được một phần rất nhỏ về vật chất. Tuy nhiên rất đáng kể về tinh thần.

Cảm ơn những 'Cô Tiên' ảnh 1 Ca sĩ Thủy Tiên đang bôi dầu gió chống lạnh cho người dân vùng lũ- Ảnh: FBNV

Rõ ràng khi không ngại khó ngại khổ xông pha ngay vào tâm lụt, bạn sẽ nghiễm nhiên trở thành ngọn cờ đầu để mọi người trông vào.  Trong những trường hợp khẩn cấp rõ ràng tốc độ là rất quan trọng. Ít ra cũng tránh rơi vào cảnh tắc đường…

Tốc độ này có được cũng là nhờ sự phát triển của mạng xã hội. Facebook những ngày vừa qua đã lan truyền những dòng tin kêu cứu, những hình ảnh tang thương đến ám ảnh. Cũng Facebook đã giúp các nhân tập thể với các mức độ ảnh hưởng khác nhau kêu gọi những nguồn lực lá lành đùm lá rách trong cộng đồng. Vẫn mạng xã hội lại lan tỏa những hình ảnh chứng thực rằng công tác từ thiện đã được thực hiện kịp thời, tại chỗ, tận tay người dân như thế nào.

Qua đây có thể thấy sự phát triển của xã hội dân sự trong thời đại kỹ thuật số, nhờ đó người dân có thể tự giúp nhau hiệu quả đến mức nào. Thủy Tiên chỉ là một kênh cũng giống như Phan Anh trước đây. Và rất có thể những lần sau lại xuất hiện một vài cái tên khác. Họ là dạng “tài năng” đặc biệt chỉ hé lộ trong những thời điểm mà không ai mong muốn. Chúng ta không đo lường được công việc của họ nhưng ít ra tinh thần hành động (hẳn là) theo mệnh lệnh trái tim kia có tác dụng rất lớn trong việc trấn an cộng đồng, cân bằng cảm xúc xã hội. Việc gây tranh cãi là không tránh khỏi, và còn kinh khủng hơn khi người ta không còn sức để tranh cãi. Nó chứng tỏ nhiều người vẫn đang ngồi ở những vị trí an toàn, không cần phải cứu trợ ít ra về vật chất(!)

Trước một số viện dẫn nghị định 64 Chính phủ ban hành năm 2008 cho rằng cá nhân kêu gọi hỗ trợ khắc phục thiên tai là trái pháp luật, luật sư Đặng Bá Kỹ (TP.HCM) giải thích: “Bộ luật Dân sự 2015 quy định: ‘Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng’. Trong khi đó việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của Thủy Tiên, cũng như những hội nhóm thiện nguyện khác, không bị quy định nào của Luật cấm, nên không có gì là trái luật, và đương nhiên không trái đạo đức xã hội. Không những vậy, việc tặng cho tài sản là hợp pháp”.

Ông Võ Thành Hưng (Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính) cũng vừa trả lời báo rằng các quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Thông tư 72/2008/TT-BTC nhằm mục đích đảm bảo cơ quan có thẩm quyền kêu gọi hỗ trợ và phân phát tiền cứu trợ một cách hiệu quả, đúng trách nhiệm; việc các cá nhân huy động tiền dựa trên lòng tin của cộng đồng và trực tiếp làm từ thiện, không thuộc đối tượng quy định của Nghị định và Thông tư này.

Bên cạnh sự ứng phó kịp thời của chính quyền, hiện tượng cứu trợ “do dân vì dân” là rất bình thường mỗi khi thiên tai bất thường xảy đến. Nhưng dù sao những thành phần dân sự như Thủy Tiên chủ yếu chỉ hoạt động trên mặt đất (thực tế là mặt nước) để cứu đói cho dân là chính, và có thể sẽ hỗ trợ khắc phục hậu quả và góp phần tái thiết khi thiên tai đã qua.

Vẫn còn những công việc đòi hỏi sự ra tay của chính quyền như cứu hộ khẩn cấp, không thể thiếu máy bay trực thăng và những nhân viên chuyên nghiệp được trang bị những bộ đồ chuyên dụng bao gồm cả ống thở như các nước phát triển.

Miền Trung năm nào cũng lũ lụt, mỗi năm càng thêm khủng khiếp. Với tình trạng biến đổi khí hậu và phá rừng, làm thủy điện tràn lan như hiện nay, rõ ràng đầu tư vào cứu hộ có lý có tình hơn hẳn vào tượng đài hay các khu du lịch tâm linh…

MỚI - NÓNG