Thủy Tiên nói gì khi được khuyên đóng tài khoản vì tiền cứu trợ quá lớn?

Thủy Tiên trong chuyến thiện nguyện tại miền Trung những ngày vừa qua.
Thủy Tiên trong chuyến thiện nguyện tại miền Trung những ngày vừa qua.
TPO - Khi số tiền đổ về tài khoản kêu gọi ủng hộ cho miền Trung của Thủy Tiên lên tới hơn 100 tỷ đồng, nhiều người lo lắng và khuyên nữ ca sĩ nên đóng tài khoản để tránh rắc rối, thậm chí mất hết sự nghiệp đã tạo dựng lâu nay.

Hiện tại, Thủy Tiên đã về Sài Gòn sau nhiều ngày lăn lộn cứu trợ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của bão, lũ. Đáng chú ý, tài khoản kêu gọi khuyên góp của Thủy Tiên đã lên tới hơn 100 tỷ đồng. Một con số khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.

Mới đây, Thủy Tiên chia sẻ dòng trạng thái khá dài để tâm sự về hành trình cứu trợ sắp tới cũng như giải đáp những thắc mắc của người hâm mộ.

Thủy Tiên cho biết, khi cô công bố số tiền chuyển khoản là hơn 100 tỷ thì được rất nhiều bạn bè, người quen gọi điện tư vấn cô nên khóa tài khoản. Cô viết: ‘Mình cảm ơn và xúc động rất nhiều vì mọi người đã rất quan tâm, lo lắng cũng như muốn bảo vệ cho mình. Vì không muốn mọi người lo lắng quá nhiều nên mình sẽ trình bày 1 số quan điểm như sau cho mọi người yên tâm.

Về ý kiến số tiền quá lớn nên cần có 1 tổ chức cứu trợ như 1 bộ máy thu nhỏ để làm việc này có hiệu quả hơn, hoặc giao cho 1 bên cơ quan chức năng nào đó để giải ngân tài chính minh bạch, hoặc thuê 1 bên thứ 3 nào để đi kiểm tra tài chính… Tất cả những góp ý này, Tiên cảm ơn và ghi nhận rất nhiều, nhưng, mình không làm theo được.

Mỗi người sẽ có 1 quan điểm riêng để làm từ thiện, 1 cách riêng để giúp đỡ cộng đồng. Việc tổ chức 1 bộ máy cồng kềnh càng làm rắc rối và mất thời gian họp hành rồi đưa ra quyết định? Nhỡ đâu trong bộ máy mình xây dựng nên có người không đàng hoàng, gây ảnh hưởng đến tổ chức thì lại càng nguy hiểm...”.

Thủy Tiên khẳng định, cô chỉ là một cá nhân và làm việc theo cái tâm của mình là mong muốn giúp đỡ cộng đồng, trao tiền tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua một tổ chức nào, cũng không tạo ra một tổ chức nào khác.

“Sức đến đâu Tiên sẽ cố gắng làm đến đó, tổ chức bộ máy là công việc của nhà nước để giúp đỡ nhân dân. Như Covid hay là cứu hộ người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đều là có công không nhỏ của nhà nước mình. Tiên đi ra hiện trường thực tế Tiên thấy rõ điều đó nên Tiên rất trân trọng họ.

Nhà nước mình làm những việc lớn, họ chi ngân sách nuôi quân để bảo vệ đất nước, giữ yên bình Tổ quốc. Còn công việc của một người dân nhỏ bé như mình thì chỉ là làm sao giúp được cộng đồng càng nhiều càng tốt theo tinh thần "lá lành đùm lá rách" thế thôi”, Thủy Tiên cho biết thêm.

“Lúc nghe nhiều người nói và lo lắng cho mình, sợ sẽ bị làm khó dễ khi cầm số tiền quá lớn, mình có gọi điện hỏi mẹ mình. Mình hỏi: “Con có nên đóng tài khoản không?”, mẹ mình nói: “Thôi con, tiền bao nhiêu cho đủ? Bao nhiêu người dân còn cực khổ, mình còn lo giúp nhiều người. Con cứ để đó đi, không đủ mà giúp người ta xây lại nhà cửa, mua giống làm ăn đâu, con cứ làm đúng tự khắc Trời Phật sẽ giúp mình, không phải lo”.

Mà thực ra mình hỏi thử lòng mẹ mình coi có sợ không chứ với mình “đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”. Chết mình còn không sợ thì những việc cỏn con này sợ gì mà không cố gắng được”- Thủy Tiên chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, Thủy Tiên cũng lý giải vì sao ngoài việc tiếp tế nhu yếu phẩm, thức ăn, cô còn cho người dân vùng lũ một số tiền nhất định tùy theo từng trường hợp cụ thể.

“Mình rõ ràng quan điểm, mục đích chính của mình là giúp tiền mặt để người dân tái thiết lại cuộc sống sau lũ. Mình nói thật là người dân không đói đến mức không còn gì ăn, họ vẫn có hàng xóm giúp đỡ nhau, chính quyền địa phương 1 số nơi vẫn cố gắng gửi thức ăn cho người dân mỗi hộ 4 gói mì 1 ngày.

Chỉ có một số nguy hiểm nước dâng cao làm trở tay không kịp, mất người và tài sản. Nước lũ dâng lên thì vài hôm cũng rút nhưng mà cái mà mình chứng kiến và ám ảnh là sự hoảng loạn của người dân khi họ mất hết, trôi hết đồ đạc nhà cửa… Các bạn xem clip không? Gia súc, gia cầm, vay ngân hàng để làm ăn họ bảo mất hết rồi, tủi thân lắm. Cái chén, cái nồi cũng không còn mà ăn, nóc nhà, cửa, giường chiếu, gia cầm… trôi hết, mất hết. Tiên đứng nghe nói mà khóc luôn ấy.

Cái Tiên có thể làm lúc đó là cho vài triệu tiền chợ búa thôi chẳng thấm vào đâu so với mất mát... mà cái được lớn nhất khi Tiên có mặt ở đó là cho họ 1 cái phao bằng những lời động viên. Tiên hứa là sẽ cho họ xây nhà lại cao hơn, cho họ 1 số tiền mua lại những cái đã trôi đi, cho vốn làm ăn để họ có thể tái thiết lập cuộc sống sau lũ. Đó là cái chính mà Tiên muốn làm, chứ không phải chỉ là đến cho vài triệu tiền chợ chữa cháy”- Thủy Tiên lý giải.

Thủy Tiên cho biết, cô không đủ tiền để thuê một e-kip để ghi chép hay minh bạch chi tiết từng khoản chi. Tuy nhiên, nữ ca sĩ khẳng định sẽ cố gắng xin sao kê những khoản chi từ ngân hàng. “Tiên nghĩ tốt nhất là mọi người cứ chuyển vào, ngân hàng xác nhận số tổng vào, và mình xin số sao kê chi ra chi tiết có đóng dấu ngân hàng, trên các khoản chi ra đó Tiên sẽ giải thích cho mọi người hiểu các khoản này dùng để làm gì. Mong là mọi người đừng lo lắng quá nhiều, 100 tỷ thấy nhiều, ai cũng sợ không làm nổi. Nhưng mà bản thân Tiên cũng không biết, có đủ hay là không đủ cho 3-4 tỉnh ngập lũ đâu, ngoài xây nhà mình còn làm cầu cống, đường xá cho người dân ở vùng sâu xa. Lũ cuốn trôi bao nhiêu cây cầu, người dân phải chế cầu tạm đi cực kỳ nguy hiểm. Nếu đủ thì thôi, dư thì mình còn thiếu gì việc để giúp người. Như đợt COVID vừa rồi, Tiên mà có tiền là Tiên phát lương cho các anh chị em công nhân thất nghiệp để nuôi con nhỏ và cha mẹ già rồi. Lúc đó Tiên chỉ có thể nuôi được 1 số gia đình quá khổ qua mùa dịch bằng cách chuyển tiền để giúp họ có cái ăn thôi, ai cũng khổ đâu dám kêu gọi thêm, tiền giúp dân không biết bao nhiêu cho đủ đâu ạ”- cô nói.

Cuối cùng, Thủy Tiên cho hay, cô sẽ sớm trở lại miền Trung trong 1- 2 ngày tới và sẽ thông báo tới người hâm mộ.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.