Với hình thức ưa nhìn, lại có tài ăn nói, thầy giáo N.T.T (giáo viên một trường THPT ở Hà Nội) nhanh chóng trở thành mục tiêu săn đuổi của nhiều nữ sinh. Thường lấy cớ không hiểu bài trên lớp, nhiều nữ sinh chủ động gọi điện, nhắn tin làm quen với thầy để nhờ thầy giảng bài riêng cho mình.
Ban đầu, thầy T rất nhiệt tình giúp đỡ và không ngại ngần khi được giúp đỡ những "cô học trò hiếu học". Tuy nhiên, qua một vài lần giảng bài, T nhận ra học sinh của mình không mấy say sưa với những bài giảng mà chỉ chăm chú hỏi thầy những vấn đề riêng tư, tế nhị khiến thầy cảm thấy ngại ngùng. Biết rõ giới hạn của mối quan hệ thầy - trò, lại đã có bạn gái nên thầy T chủ động từ chối các cuộc gặp gỡ riêng với những trò này.
Minh họa: ANTĐ
Mê mẩn vẻ đẹp trai, nam tính của thầy giáo mà Thùy Trang (sinh viên năm thứ 3 một trường đại học) thức trắng cả đêm để trực đăng kí bằng được học lớp của thầy trên phần mềm đăng kí học trực tuyến của nhà trường. Sau đó là chuỗi ngày Trang cố gắng tìm mọi cách thể hiện trên lớp học để được thầy chú ý hơn.
"Hôm ấy là buổi liên hoan cuối năm, ăn uống xong thầy trò cùng nhau đi hát karaoke. Cô sinh viên tên Trang đã rủ tôi lên hát cùng. Vừa kết thúc bài hát, cô bé đột ngột ôm cổ tôi để chụp ảnh.
Mấy ngày sau, bức ảnh nhạy cảm đó được đưa lên facebook kèm theo lời ám chỉ chúng tôi là một cặp. Không những xấu hổ, ngượng ngùng vì bị sinh viên bàn tán, tôi còn khổ sở thanh minh với bạn gái mất cả tháng trời", thầy B.M.T, nạn nhân của cô học trò si tình kể.
Hiện nay, ở các trường THPT, đại học, cao đẳng, nhiều thầy giáo trẻ chỉ hơn học sinh, sinh viên khoảng vài tuổi. Thầy trẻ, trò lại đang ở độ tuổi vừa biết yêu, nên chuyện trò "cảm nắng" thầy là không hiếm gặp.
Theo các chuyên gia tâm lí, tình yêu giữa thầy giáo và nữ sinh không xấu nếu như cả hai bên đến với nhau bằng tình cảm chân thành và có đủ điều kiện để tiến tới tình yêu. Tuy nhiên, nhiều nữ sinh còn ở độ tuổi mới lớn, chỉ muốn thể hiện mình là người đã lớn hoặc vì những lí do rất trẻ con như lợi dụng cảm tình với thầy giáo, vì bạn bè thách thức nên coi đây là một trò đùa.
Suy nghĩ này của các em không chỉ ảnh hưởng đến học tập mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của các em.
Thầy giáo Lê Văn Bình (27 tuổi, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội) chia sẻ: "Trong mối quan hệ thầy - trò, đặc biệt là đối với nữ sinh, người thầy cần có thái độ đúng mực, rõ ràng. Điều căn bản là sự tế nhị và cương quyết từ ban đầu, dùng những lời nhẹ nhàng, tình cảm để tránh làm tổn thương các em".
Nhận được những lời khuyên chân thành, đúng đắn các em sẽ hiểu ra và tập trung hơn cho việc học. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường nên có sự kết hợp để hướng các em vào những sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, giúp cân bằng, ổn định tâm sinh lí ở lứa tuổi đang có nhiều biến động.
Đinh Thị Vân (Đại học Ngoại thương, Hà Nội): Ở các trường đại học, cao đẳng, các giảng viên thường rất trẻ nên chuyện nữ sinh có tình cảm với thầy giáo là chuyện bình thường, đặc biệt là đối với những thầy giáo trẻ.
Tuy nhiên, ở ranh giới thầy - trò thì tôi nghĩ đó không phải là tình yêu mà đơn giản chỉ là tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ, giống như sự say mê, yêu thích với thần tượng của mình vậy. Yêu quý thầy giáo, các bạn nữ sinh nên tập trung tốt cho việc học của mình thay vì chau chuốt bản thân, thả hồn vào việc ngắm thầy để việc học hành trở lên sa sút.