Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thẳng thắn nhìn nhận, pháp luật còn nhiều bất cập so với kỳ vọng của DN và xã hội. Do đó, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại diện DN để tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện thể chế, giảm thực chất điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực công chức và đạo đức công vụ. Chống hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự... Theo ông Long, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) cũng chỉ còn 2 hành vi kinh tế bị xử lý hình sự.
Tuy vậy, theo ông Long, điểm khó là phân biệt bản chất vụ việc quan hệ kinh tế tự nguyện, minh bạch. Vì trong thực thi pháp luật có sự nhầm lẫn do nhận thức và thực hiện không đúng, lạm dụng, dẫn tới hình sự hoá quan hệ kinh tế. Do đó, trong quá trình thực thi pháp luật, nếu DN phát hiện có nhầm lẫn, cần chủ động khiếu nại, hoặc làm việc với cơ quan thực thi để làm rõ, chủ động sử dụng luật sư trong hoạt động.
Về phía cơ quan thực thi, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ quan này không có chủ trương hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính. Dù vậy, ngành Công an sẽ xử lý nghiêm DN vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng núp bóng DN để vi phạm pháp luật, như: Hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê, sử dụng đối tượng hình sự để chèn ép DN khác; Tội phạm kinh tế về tham nhũng, buôn lậu, hàng giả… đã ảnh hưởng trực tiếp tới DN, môi trường kinh doanh.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cũng khẳng định, luôn đồng hành với DN làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật. “Để xã hội phát triển, DN ổn định làm ăn, ngành Kiểm sát cam kết hạn chế không hình sự hoá quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự”, ông Trí nói.
Theo ông Trí, tháng 7/2019, cơ quan này đã có văn bản thông báo tới toàn ngành thận trọng trong xử lý vụ việc quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Trường hợp có sai phạm, ưu tiên để các bên đàm phán. Năm 2019, ngành kiểm sát đã đình chỉ ít nhất 5 vụ việc, không xử lý hình sự hóa quan hệ kinh tế. Trong 5 vụ việc có cả vụ việc đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam bị can, để 2 bên đàm phán. “Chúng ta cần đưa ra quy định thông thoáng, để DN dễ thở hơn, không vi phạm, đó là điều DN cần nhất hiện nay”, ông Trí nói thêm.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết, Quốc hội thông qua Luật Hoà giải, ưu tiên giải quyết các tranh chấp xã hội, dân sự, thương mại theo hướng thân thiện, 2 bên cùng thắng. Do đó, ông Bình mong DN sử dụng cơ chế mới này như con đường ưu tiên để giải quyết tranh chấp, bất đồng trong hoạt động kinh doanh. Người đứng đầu ngành Toà án cũng cam kết ủng hộ, đồng hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN.
Lãnh đạo các cơ quan pháp luật cũng mong DN chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, làm ăn chân chính; tích cực phối hợp cơ quan chức năng xử lý tranh chấp, khiếu kiện, phòng chống tội phạm…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông thấy vui vì các ý kiến thẳng thắn, góp ý có tính xây dựng. Đặc biệt, không chỉ DN nói về DN, còn có cơ quan điều tra, tư pháp, cơ quan xây dựng pháp luật cam kết không hình sự hoá quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự để tạo điều kiện cho DN phát triển. Bên cạnh đó, với DN vi phạm, núp bóng kinh doanh để hoạt động phạm pháp phải xử lý nghiêm.
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ hy vọng, năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu DN, không chỉ đạt về số lượng mà còn đạt về chỉ tiêu chất lượng, sự lớn mạnh. Thủ tướng mong các DN cùng đoàn kết để làm ăn lớn, hình thành các ngành hàng cùng phát triển, tương trợ nhau trên thương trường.
Vẫn phải bôi trơn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện tại, DN vẫn phải mất chi phí không chính thức. Cụ thể, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 55% số DN phải chi các khoản phí không chính thức cho bộ máy công quyền. Trong đó, có tới 30,8% DN cho biết, phải “bôi trơn lớn” (các khoản chi từ 10% doanh thu trở lên), chủ yếu liên quan tới tiếp cận đất đai. Còn theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), dù môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 1 bậc (lên thứ 69) nhưng vẫn còn nhiều chỉ tiêu xếp ở thứ bậc trên 100. Đó là điểm yếu kém, cụ thể như khởi sự kinh doanh (xếp thứ 104), nộp thuế (109), phá sản (122)…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn. Vì theo báo cáo, đã cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh, nhưng số điều kiện thực chất được cắt giảm chỉ khoảng 30%. Điển hình như còn tới 19% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; năm 2019 còn tới 19% số DN bị kiểm tra thanh tra 2 lần trở lên…